9-5-2025 13:30:20
KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 01/09/2023 - Lượt xem: 1390
Bảo đảm an sinh xã hội vì sự phát triển bền vững

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền non trẻ vừa ra đời đã đương đầu với những khó khăn chồng chất do thù trong, giặc ngoài cộng với những khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội do chế độ cũ để lại. Để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, chăm lo đời sống người dân, các nhiệm vụ “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” được đặt lên hàng đầu.

Trao xe đạp và quà của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập
Trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta nhận thức ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết vấn đề xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm toàn diện và tốt hơn quyền con người; khẳng định mục tiêu chính sách xã hội là nhằm xây dựng và phát triển con người, mang lại cuộc sống ngày một tốt hơn cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế, người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tại Hưng Yên, cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; qua đó, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và phúc lợi cho Nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Xác định công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, do đó, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, đoàn thể và địa phương, các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời hướng tới người nghèo, huy động được các nguồn lực xã hội, xây dựng được các chính sách đặc thù hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế. Qua đó, giúp họ vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách và giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên nhiều phương diện như: Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ nhà ở; đào tạo nghề, tạo việc làm... Trong giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh có 43.181 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn; 59.860 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí; trên 26.525 lượt trẻ mẫu giáo, học sinh các cấp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, ăn trưa; hơn 282 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa về nhà ở… Từ sự quan tâm, nỗ lực vì người nghèo, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, đến năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo còn 1,93%.
Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Tỉnh quan tâm, hỗ trợ người dân về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tạo những điểm tựa an sinh vững chắc cho người dân. Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 251.676 người tham gia bảo hiểm xã hội; 229.357 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 1.149.815 người tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách BHYT, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ riêng. Điển hình như các chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho người khuyết tật, người từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025…
Hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội... được quan tâm, thể hiện bằng những cơ chế, chính sách và hoạt động cụ thể. Nhiều chính sách hỗ trợ luôn ở mức cao hơn quy định chung của cả nước như: Chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi; chính sách nâng mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ cận nghèo… Nhờ đó, đã kịp thời động viên, khích lệ, sẻ chia khó khăn, tạo điều kiện cho người dân vươn lên.
Đặc biệt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động như: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà đối tượng và gia đình chính sách, chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… được quan tâm đã thắp sáng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân với những mất mát, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Việc ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa… thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân mỗi năm. Các chương trình, phong trào thiện nguyện được tổ chức thường xuyên đã động viên, giúp đỡ để những người dân còn khó khăn, yếu thế thêm ấm lòng, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội. Do đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực, như: Hỗ trợ vay vốn học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động; ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Hoàn thiện hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng đời sống Nhân dân là mục tiêu phát triển bền vững. Trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đã thể hiện trách nhiệm, nghĩa tình của các cấp, các ngành với người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau” và sẽ là động lực để tỉnh Hưng Yên tiếp tục vững bước trên chặng đường phát triển.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan