KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Chính trị
Đăng ngày: 21/05/2025 - Lượt xem: 22
Bảo đảm quyền bảo vệ bí mật cá nhân

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số là xu thế của thời đại. Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình này để làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời, xác định dữ liệu cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình tham gia vào xu thế này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Xinhua)
Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vấn đề này theo hướng bảo đảm an ninh mạng; lấy con người, trí tuệ con người làm trung tâm, là nhân tố quyết định; hoàn thiện hành lang pháp lý trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Hiến pháp năm 2013 kế thừa các quy định của các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó, có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Tuy nhiên, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra phổ biến, nhất là trên không gian mạng. Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng, năm 2024, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, với 66,24% người dùng xác nhận rằng thông tin của họ từng bị sử dụng trái phép.
Nguyên nhân là do người dùng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân; các biện pháp bảo vệ chưa tương xứng; dẫn tới thông tin cá nhân bị chiếm đoạt và đăng tải công khai. Việc thiếu các quy định cụ thể về bảo vệ dữ liệu trên môi trường này dẫn đến nhiều vi phạm và rủi ro tiềm tàng.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ (Nghị định số 13) là văn bản duy nhất đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hệ thống xử lý vi phạm.
Theo đó, các hành vi vi phạm có thể bị xử lý bằng các hình thức: Kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự; tuy nhiên, đây chỉ là một nghị định, chưa phải văn bản luật.
Bộ Công an đánh giá, qua thực tiễn triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Nghị định số 13 cho thấy, nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập dữ liệu cá nhân quá mức cần thiết, thiếu cơ sở pháp lý, không xác định được các luồng xử lý dữ liệu.
Nhiều hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, không thể lấy ý kiến về sự đồng ý đối với những dữ liệu cá nhân đã thu thập. Điều đó cho thấy, các quyền cơ bản của công dân đối với dữ liệu cá nhân chưa được bảo đảm. Các chuyên gia pháp luật cho rằng, công dân chưa biết cách tự bảo vệ, chưa biết cách khiếu kiện, phản đối, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm, xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Gần đây nhất, tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Lưu trữ 2024 đã quy định những nguyên tắc lưu trữ và quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan, tuy nhiên, không đề cập đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp bách trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân mang tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; nâng cao nhận thức, ý thức về xử lý dữ liệu cá nhân hiện nay song hành với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân và có các quy định rõ ràng về việc bảo đảm các quyền của chủ thể dữ liệu.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được xây dựng sắp tới được mong đợi sẽ giúp nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân, mở ra bước ngoặt quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán dữ liệu trái phép, bảo vệ người dân khỏi lừa đảo.
Các chế tài được áp dụng theo Luật cũng mang tính răn đe, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng và tuân thủ các quy định trong hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân; tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan