Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, cũng như phù hợp tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 28/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) bày tỏ đồng tình và đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, cho rằng hồ sơ dự thảo luật đã chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06, Nghị quyết số 15, đặc biệt là Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, đại biểu Mai cho rằng cần phải chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt.
Do đó, dự thảo luật quy định Thủ đô là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06 và Kết luận số 80 của Bộ Chính trị.
Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đó là, tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô.
Đề cập về giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) bày tỏ tán thành với việc điều chỉnh này, khẳng định sự cần thiết giao quyền chủ động cho Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Theo đại biểu, Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài việc bảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước.
Đồng thời, Thủ đô là đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.
Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.
Theo đại biểu Cường, dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này đã có sự tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội; đồng thời có sự giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15% (tương đương khoảng 3 cơ quan) và đối với cấp huyện thì không vượt quá 10% (tương đương với 1 cơ quan) theo khung quy định của Chính phủ.
Như vậy, vừa một mặt bảo đảm cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, mặt khác cũng giới hạn trong việc không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị.
Ủng hộ cơ chế đặc thù nhưng cần rà soát chặt chẽ, thận trọng
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ ủng hộ Thủ đô có các cơ chế đặc thù, song cũng đề nghị cân nhắc, thận trọng đối với một số quy định.
Theo đó, về xây dựng, quản lý Thủ đô, đại biểu Hòa thống nhất với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.
Tuy nhiên, với quy định viên chức của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập, đại biểu đề nghị cân nhắc đối với quy định này, bởi Luật Công chức, Luật Viên chức không cho phép công chức, viên chức được thành lập, điều hành doanh nghiệp. Do đó, đối với Luật Thủ đô cần xác định rõ, phân công hợp lý.
Về mở rộng lĩnh vực Hội đồng nhân dân thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, áp dụng trên địa bàn thành phố và về áp dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng, đại biểu Hòa cơ bản thống nhất với hướng quy định này, đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng và tránh trường hợp áp dụng tùy tiện.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Góp ý về quy định áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho biết, tại khoản 2, Điều 4 quy định: “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Theo đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thận trọng, khách quan và tính thống nhất trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Tại khoản 3, Điều 4 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề”.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các bên để hoàn thiện quy định này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Phát biểu giải trình thêm về áp dụng Luật Thủ đô tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về việc xác định rõ thế nào là “cần thiết”, chính quyền Thủ đô có đủ năng lực để đánh giá.
Khi có quy định trong các luật, Nghị quyết của Quốc hội tạo thuận lợi hơn, cần thiết cho việc quản lý, phát triển bảo vệ thủ đô, khác với quy định của Luật Thủ đô, cần phải được áp dụng, thì các cơ quan của chính quyền thành phố Hà Nội có thể đánh giá được. Các nội dung này phải báo cáo Chính phủ để Chính phủ xem xét, nếu cần thiết thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Về ý kiến liên quan đến việc thực hiện quy trình xây dựng pháp luật quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề nghị Chính phủ tham gia ý kiến từ đầu tháng 5. Đến ngày 23/5, Chính phủ gửi văn bản góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ của dự thảo luật phải được gửi tới đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 10/5 để đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến. Do văn bản gửi đến muộn, nên không kịp tiếp thu, hoàn thiện, nêu vấn đề trong báo cáo giải trình, tiếp thu.
Tuy nhiên, nhiều nội dung Chính phủ tham gia ý kiến cụ thể thực tế đã được báo cáo, giải trình trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng không hoàn toàn là vấn đề mới mà đều đã được các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách…
Nguồn: https://nhandan.vn