Góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định về độ tuổi tối đa tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để bảo đảm tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) góp ý kiến vào dự thảo luật trong phiên thảo luận sáng 27/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về tuổi đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bởi hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý mới chỉ đề cập đến việc bảo đảm sức khỏe.
“Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng xem như cánh tay nối dài, hỗ trợ cho lực lượng công an xã, công an phường (như đi tuần tra, canh gác ban đêm…). Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo Luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý”, đại biểu Hòa nói.
Có chung quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) nêu rõ, Điều 13 của dự thảo luật quy định, tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng chưa đưa ra giới hạn tuổi tối đa tham gia lực lượng này.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho rằng cần quy định giới hạn tuổi tối đa tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng cần cân nhắc quy định về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đối với nam và nữ để bảo đảm tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.
Cần quy định để kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
Cơ bản đồng tính với báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở gồm 3 nhóm đối tượng mang tính tự nguyện cao nhưng vẫn cần có quy định để kiểm soát quản lý.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của luật là rất quan trọng đòi hỏi cần có các quy định bảo đảm chặt chẽ trong quá trình thực thi, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng, luật này liên quan đến đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nên cần có những kiểm soát đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
“Giao nhiệm vụ thì phải có sự kiểm soát thực hiện để bảo đảm không lạm quyền”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Anh Công đề nghị cần quy định kiểm soát, quy định về cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm hay nhũng nhiễu người dân; đồng thời, cũng cần tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm các chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Chú trọng đề cao tiêu chuẩn chất lượng với các cá nhân tham gia lực lượng
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình cao với nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời nhấn mạnh, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tuy là lực lượng quần chúng được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân, nhưng căn cứ tính chất nhiệm vụ quy định trong dự thảo luật thì là lực lượng có vai trò, tầm quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, có mối quan hệ mật thiết với công an và các lực lượng khác.
Trong tình hình an ninh phức tạp, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở càng trở nên quan trọng. Nếu tổ chức tốt, lực lượng này có thể phát huy vai trò của mình trong nắm tình hình về an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hỗ trợ bảo đảm trật tự xã hội, hỗ trợ tuần tra, bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường đấu tranh tội phạm, hỗ trợ chính quyền giữ gìn an ninh chính trị.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần chú trọng đề cao tiêu chuẩn chất lượng với các cá nhân tham gia lực lượng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Do vậy, đại biểu cho rằng cần chú trọng đề cao tiêu chuẩn chất lượng với các cá nhân tham gia lực lượng. Việc nâng cao tiêu chuẩn sẽ góp phần thu hút, tuyển chọn được những người xứng đáng, có tiếng nói, có uy tín tại cộng đồng tham gia lực lượng, từng bước tham gia chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần củng cố, nâng cao sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân về lực lượng, qua đó thúc đẩy sự hợp tác, tham gia của người dân với lực lượng.
Đại biểu đề nghị đổi tên gọi của Điều 13 thành “Tiêu chuẩn và điều kiện tham gia Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở”. Về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, đại biểu cho rằng, những cá nhân được tuyển chọn tham gia lực lượng phải là những cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt, công tâm, khách quan, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật.
Nguồn: https://nhandan.vn