Văn phòng Chính phủ vừa có Thôn Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/10/2024.g cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/10/2024.
Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km
Quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
Nghị định quy định rõ điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc. Theo đó, đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí gồm:
1. Đường bộ cao tốc đáp ứng các điều kiện sau đây: Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan; Hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; Có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. (Phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này áp dụng mức phí sử dụng đường bộ cao tốc theo mức 1).
2. Đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông và có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. (Phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này áp dụng mức phí sử dụng đường bộ cao tốc theo mức 2).
5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc
1. Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 05 nhóm như sau:
a) Nhóm 1 gồm các loại phương tiện sau: xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;
b) Nhóm 2 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;
c) Nhóm 3 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;
d) Nhóm 4 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet;
đ) Nhóm 5 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.
Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km
Theo Nghị định, phí sử dụng đường bộ cao tốc được xác định trên quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).
Mức phí sử dụng đường bộ cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải quy định như sau:
Căn cứ mức phí quy định nêu trên, mức phí áp dụng đối với từng tuyến, đoạn tuyến cao tốc được xác định cụ thể tại Đề án khai thác tài sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2024.
Quy định mới về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
Chính phủ ban hành Nghị định mới về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 132/2024/NĐ-CP ngày 15/10/2024 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
Nghị định quy định rõ về vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Theo đó, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, chi phí thu hồi, lợi nhuận và các khoản được chia từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để thực hiện đầu tư ở nước ngoài.
Tiền và tài sản hợp pháp khác gồm: Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật; đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam; máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản; cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài; các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.
Vốn đầu tư ra nước ngoài được dùng để góp vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh (nếu có) và các nghĩa vụ tài chính khác của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, hợp đồng dầu khí, giấy phép và các thỏa thuận liên quan khác để thực hiện hoạt động dầu khí, dự án dầu khí ở nước ngoài từ khi hình thành dự án đến khi kết thúc dự án và hoàn thành tất cả các nghĩa vụ theo quy định. Các khoản vốn đã chuyển ra nước ngoài, khi được thu hồi và chuyển về nước thì không tính vào vốn đã chuyển ra nước ngoài.
Nhà đầu tư Việt Nam được dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư đó tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án dầu khí của tổ chức kinh tế ở nước ngoài. Trong trường hợp này, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư có thể sử dụng một công ty điều hành để quản lý một hoặc nhiều dự án dầu khí ở nước ngoài
Theo Nghị định quy định, để thực hiện hoạt động hình thành dự án dầu khí ở nước ngoài hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư, hợp đồng dầu khí.
Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành và nhà đầu tư sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Công ty điều hành được sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí.
Nhà đầu tư có thể sử dụng một công ty điều hành để quản lý, điều hành một hoặc nhiều dự án dầu khí ở nước ngoài phù hợp với quy định của nước tiếp nhận đầu tư. Chi phí đối với từng dự án dầu khí phải được phân bổ, hạch toán độc lập.
Chuyển nhượng dự án dầu khí ở nước ngoài
Nghị định cũng quy định về chuyển nhượng dự án dầu khí ở nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài phù hợp quy định của hợp đồng dầu khí, thỏa thuận, giấy phép liên quan, pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và các quốc gia có liên quan và quy định tại Nghị định này. Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án dầu khí ở nước ngoài là cấp có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng dự án.
Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư. Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án dầu khí ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 64 Luật Đầu tư.
Trường hợp việc chuyển nhượng dự án dầu khí ở nước ngoài phát sinh lợi nhuận, nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật có liên quan và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2024 và thay thế Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Israel giai đoạn 2024-2027
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 131/2024/NĐ-CP ngày 15/10/2024 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Israel (Hiệp định VIFTA) giai đoạn 2024-2027.
Hiệp định VIFTA đã được ký kết vào ngày 25/7/2023 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel.
Nghị định nêu rõ, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VIFTA giai đoạn 2024 - 2027 (sau đây gọi tắt là Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt) gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu từ lãnh thổ Israel vào Việt Nam đối với từng mã hàng.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hơn 11 nghìn dòng hàng.
Thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với một số mặt hàng thuộc nhóm hàng 04.07 (Trứng chim và trứng gia cầm, nguyên vỏ, sống, đã bảo quản hoặc đã làm chín); 17.01 (Đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hoá học, ở thể rắn); 24.01 (Lá thuốc lá chưa chế biến; phế liệu lá thuốc lá); 25.01 (Muối (kể cả muối thực phẩm và muối đã bị làm biến tính) và natri clorua tinh khiết, có hoặc không ở trong dung dịch nước hoặc có chứa chất chống đóng bánh hoặc chất làm tăng độ chẩy; nước biển) chỉ áp dụng trong hạn ngạch thuế quan; danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.
Điều kiện áp dụng
Theo Nghị định quy định, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:
1. Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
2. Được nhập khẩu vào Việt Nam từ Israel.
3. Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định VIFTA và các quy định hiện hành.
Nghị định cũng nêu rõ: Hàng hóa từ khu phi thuế quan của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường trong nước được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện (1) và (3) nêu trên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024 đến hết ngày 31/12/2027.
Chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau
Đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau (Dự án).
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và khu vực.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) là nhà đầu tư dự án. Vốn đầu tư của dự án khoảng 2.400 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV.
Quy mô dự án: Xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m × 45 m, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; xây dựng đường lăn nối đường cất hạ cánh với sân đỗ máy bay kích thước 128 m × 15 m, lề vật liệu mỗi bên 5 m và 05 đường lăn chờ; xây dựng sân đỗ máy bay ở khu vực phía Nam kích thước 182 m × 112,5 m, lề vật liệu rộng 5 m, đáp ứng khai thác 03 vị trí đỗ A320, A321 và tương đương.
Cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đạt công suất 500.000 hành khách/năm (có thể mở rộng đảm bảo khai thác 1 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu). Diện tích xây dựng nhà ga hành khách khoảng 2.668 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4.200 m2, 02 tầng, chiều cao công trình khoảng 9,5 m.
Xây dựng một số hạng mục công trình phụ trợ đồng bộ khác như đường giao thông kết nối sân đỗ máy bay mới về khu nhà ga hành khách, nhà xe ngoại trường, trạm khẩn nguy cứu hỏa, hệ thống hàng rào an ninh, đường vành đai đồng bộ.
Bảo đảm việc thực hiện dự án tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau thực hiện giao đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để triển khai Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.
Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của ACV theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của ACV theo tiến độ thực hiện Dự án.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo ACV thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường của Dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm việc triển khai thực hiện Dự án tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phối hợp với Bộ Tài chính và chỉ đạo các đơn vị liên quan và hướng dẫn ACV thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành; phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, bảo đảm phương thức bay an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư Dự án.
UBND TPHCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 TPHCM
UBND TPHCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 807/TTg-CN ngày 16/10/2024 về việc giao cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng giao UBND TPHCM làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ Báo cáo NCTKT các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có trách nhiệm phối hợp với UBND TPHCM trong quá trình hoàn thiện Báo cáo NCTKT và triển khai Dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để sớm tổ chức thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án theo quy định.
Việt Nam xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp
Việt Nam xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2045, phong trào thể dục, thể thao phát triển đồng đều, đa dạng trong các đối tượng, địa bàn; hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên trong Nhân dân; trên 95% học sinh, sinh viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; tầm vóc của thanh niên Việt Nam đạt ở mức cao trong khu vực.
Việt Nam phấn đấu bóng đá nam trong tốp 8 châu Á
Thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai ASIAD, trong đó ít nhất 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã có công trình thể thao; 100% trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao.
Thị trường thể thao phát triển, kinh tế thể thao đạt mức tăng trưởng hằng năm cao, từng bước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.
Mỗi người thường xuyên luyện tập ít nhất một môn thể thao phù hợp với bản thân
Đối với thể dục, thể thao cho mọi người, Chiến lược đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và lồng ghép hiệu quả với các chiến lược, chương trình, đề án, phong trào liên quan, hướng tới mỗi người dân thường xuyên luyện tập ít nhất một môn thể thao phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của cá nhân. Mở rộng mạng lưới thiết chế thể thao cơ sở, phát triển mạnh số lượng các câu lạc bộ thể thao, các điểm tập luyện thể dục, thể thao công cộng. Tổ chức hiệu quả mạng lưới hướng dẫn viên thể thao cơ sở, các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong cộng đồng. Tăng cường phối hợp liên ngành tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao trong từng đối tượng (công nhân, viên chức, nông dân, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi...).
Bảo tồn, phát triển, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian
Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, gắn với mục tiêu giáo dục toàn diện cả về tri thức, thể chất, tâm lý và kỹ năng sống. Tăng cường chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; có kế hoạch từng bước triển khai đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn. Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với các cơ sở thể thao trong hoạt động giáo dục thể chất. Tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sở thích, tâm sinh lý và lứa tuổi của học sinh, sinh viên, trong đó chú trọng tập luyện bơi, võ cổ truyền và một số môn thể thao phù hợp khác. Phát triển mạnh các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trường học; tăng cường đào tạo năng khiếu thể thao ngay trong nhà trường. Đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong và liên trường, ở các cấp học và trên từng địa bàn.
Tiếp tục lồng ghép việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 với hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thường xuyên rà soát, đánh giá các chỉ số thể lực, tầm vóc của học sinh, sinh viên để có biện pháp can thiệp về thể thao, từng bước khắc phục tình trạng thừa cân, thấp còi, suy dinh dưỡng.
Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; phát triển thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, thể thao gắn với du lịch, lễ hội theo hướng đa dạng, độc đáo và bảo đảm an toàn; tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao cho người khuyết tật; chú trọng đào tạo lực lượng vận động viên thể thao người khuyết tật tham dự các đại hội, giải thi đấu thể thao quốc tế. Tạo điều kiện, hỗ trợ để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao đa dạng, phù hợp cho người cao tuổi...
Xây dựng chính sách phù hợp đối với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên
Đối với thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, nhiệm vụ của Chiến lược là khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của nước ta và bám sát xu thế của thế giới; nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai cụ thể việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; chủ trì xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn tới, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.
Nâng cấp, hiện đại hóa và phát huy tối đa hiệu quả của các cơ sở trọng điểm phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu thể thao do trung ương quản lý và các cơ sở đào tạo, huấn luyện vận động viên của địa phương, ngành công an, ngành quân đội; sớm hình thành các cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên sâu theo nhóm môn.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho hội thể thao quốc gia, các doanh nghiệp tham gia xây dựng, vận hành các cơ sở đào tạo vận động viên; bảo trợ, tài trợ cho các đội tuyển thể thao, vận động viên tài năng.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong đào tạo vận động viên, từ đổi mới các tiêu chí, tiêu chuẩn đến quy trình, phương thức trong tuyển chọn, đào tạo vận động viên; chú trọng ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo; trang bị các phòng huấn luyện công nghệ cao tại các cơ sở đào tạo vận động viên trọng điểm.
Phát triển mạnh thể thao chuyên nghiệp, mở rộng việc áp dụng cơ chế quản lý, điều hành chuyên nghiệp đối với các môn thể thao phù hợp. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập, vận hành câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và tổ chức các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp; hình thành các cơ sở đào tạo vận động viên vận hành theo mô hình doanh nghiệp...
Thành lập Tổ công tác điều phối Việt Nam – Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ các dự án kinh tế trọng điểm được nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 16/10/2024 thành lập Tổ công tác điều phối Việt Nam – Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ các dự án kinh tế trọng điểm được nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế (Tổ công tác).
Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ công tác. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó.
Các Ủy viên gồm: Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Ngoại giao, Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hậu Giang, Cần Thơ.
Đề xuất phương hướng giải quyết những vướng mắc mang tính liên ngành
Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vướng mắc mang tính liên ngành liên quan tới các dự án kinh tế trọng điểm đã nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế.
Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan tới các dự án kinh tế trọng điểm đã nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế.
Các thành viên Tổ Công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác
Quyết định nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác, sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Tổ công tác, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.
Các cơ quan có thành viên tham gia Tổ công tác sử dụng bộ máy hiện có của mình để giúp việc thành viên Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác tổ chức họp để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tùy theo tính chất, nội dung cuộc họp, Tổ trưởng Tổ công tác quyết định mời các thành viên Tổ công tác có liên quan và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, cá nhân khác tham dự cuộc họp của Tô công tác.
Trường hợp không tổ chức họp, thành viên Tổ công tác có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thành viên Tổ công tác có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Tổ công tác và chuẩn bị nội dung báo cáo phần việc được phân công. Trường hợp vắng mặt, thành viên Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Tổ trưởng hoặc Tổ phó và cử người có trách nhiệm dự họp thay.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng tính kịp thời trong điều hành của Tổ công tác. Các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, vật chất phục vụ các cuộc họp trực tuyến khi cần thiết.
Kinh phí hoạt động của Tổ Công tác do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2024./.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/