KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 18/07/2024 - Lượt xem: 202
Chủ động phòng, chống mưa úng

Những ngày qua và dự báo trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, nguy cơ gây ngập úng cục bộ nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, đặc biệt diện tích lúa mùa mới gieo cấy, nhãn chính vụ đang vào thời kỳ thu hoạch. Để hạn chế ảnh hưởng của mưa úng, các đơn vị, địa phương và nông dân đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống.

Trạm bơm tiêu Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) bảo đảm năng lực phòng, chống úng
Toàn tỉnh hiện nay có hơn 86,5 nghìn héc-ta cần thực hiện các phương án tiêu thoát nước bằng động lực, tiêu tự chảy có hơn 7,5 nghìn héc-ta. Địa hình có cao độ không đồng đều, địa hình cao tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Văn Lâm…; địa hình thấp tập trung ở các huyện: Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi... Do vậy, việc phòng, chống úng còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý, vận hành 220 trạm bơm tiêu úng với 753 máy bơm, tổng lưu lượng thiết kế  2.438.250 m3/h. Tuy nhiên, do hầu hết thiết bị của nhiều trạm bơm được xây dựng từ lâu, đến nay xuống cấp; cầu, cống trên hệ thống sông trục được xây dựng với chỉ tiêu thiết kế cũ, hiện tại nhiều công trình không còn phù hợp với yêu cầu mới. 
Nhằm chủ động phòng, chống úng, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã sớm xây dựng các phương án phòng, chống úng. Theo đó, công ty xây dựng 2 phương án: Phương án 1 với giả định tình huống lượng mưa, mực nước ứng với tần suất thiết kế P = 10%; phương án 2 với giả định tình huống lượng mưa, mực nước vượt tần suất thiết kế P = 5%, mực nước sông ngoài trên báo động số 3. Các phương án trên đều được xây dựng chi tiết các tình huống, phương án để chủ động thực hiện. Ngoài ra, công ty xây dựng phương án khắc phục sau khi có úng lụt xảy ra. Để thực hiện phương án tiêu cho vùng trũng cục bộ, công ty huy động toàn bộ các trạm bơm tiêu tham gia chống úng, đặt máy bơm dã chiến bơm dầu để bơm tiêu; lập kế hoạch gạn tháo nước trên hệ thống sông trục theo lịch điều hành hệ thống sông Bắc Hưng Hải linh hoạt, giữ mực nước phù hợp tại các điểm chốt trên sông trục và bể hút các trạm bơm theo từng thời điểm. Nhân lực cho công tác phòng, chống úng, công ty đã phân công cụ thể đến từng cán bộ, công nhân viên. Đồng thời, công ty đã tiến hành làm việc với Công ty Điện lực Hưng Yên để phối hợp bảo đảm cung ứng điện cho các công trình tham gia chống úng.
Ông Nguyễn Khắc Chung, Phó Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Yên Mỹ cho biết: Để chủ động phòng, chống úng, ngay sau khi đổ ải vụ xuân, xí nghiệp đã tham mưu với huyện xây dựng phương án phòng, chống úng của huyện và phương án cụ thể cho 4 tiểu vùng; trong đó chú trọng các vùng trồng rau màu, cây ăn quả, vùng thường xuyên xảy ra úng cục bộ. Để chủ động phòng, chống úng, xí nghiệp đã chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức trục vớt rác thải trên các sông trục; rà soát các điểm ách tắc để giải tỏa; đồng thời tiến hành tu sửa 96 tổ máy, trục vớt hơn 1,5 triệu m2 rau, bèo trên các sông trục, kênh mương. 
Những ngày qua, cùng với nông dân ở các địa phương tập trung tháo gạn nước, khơi rãnh phòng, chống úng cho diện tích lúa mới gieo cấy, rau màu, hoa, cây cảnh, các nhà vườn trồng nhãn trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống úng, bảo vệ nhãn. Bà Trần Thị Thanh, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Thời điểm này, nhãn chính vụ bắt đầu cho thu hoạch và dự kiến thu hoạch rộ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Trong giai đoạn này cần nắng ráo nhiều hơn, mưa to kéo dài làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của quả nhãn, nếu không phòng, chống úng tốt sẽ gây rụng quả. Hiện nay, tôi tập trung khơi rãnh, vun luống cao để hạn chế ngập úng. 
Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Chủ động phòng, chống úng, công ty sửa chữa công trình xây lắp bằng nguồn sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, nguồn vốn phòng, chống thiên tai với kinh phí trên 11 tỷ đồng. Đến ngày 31/5, công ty đã hoàn thành các hạng mục sửa chữa máy bơm phục vụ chống úng. Tu sửa 1 tổ máy bơm công suất 8.000m3/h tại trạm bơm La Tiến; tu sửa 2 tổ máy bơm công suất 4.000m3/h tại trạm bơm Văn Phú A, trạm bơm không ống cột nước thấp Hoà Đam; tu sửa 28 máy bơm công suất 2.500 m3/h, 32 máy bơm từ 350m3/h đến 1.400m3/h tại các xí nghiệp huyện, thị xã, thành phố; tu sửa 16 động cơ từ 15kW đến 37kW; tu sửa 4 máy đóng mở và cánh cống (cống qua đê trạm bơm Giang, cống lấy nước, ngăn tiêu trạm bơm Trà Phương 3 và cống lấy nước trạm bơm Nghĩa Dân). Sửa chữa, thay mới 5 lưới chắn rác tại các trạm bơm: Nhật Tân – Hưng Đạo, Đào Xá, Đồng Thanh, Cầu Đừng và Việt Hưng B. Cải tạo, thay thế 1 trạm biến áp 250KVA-22/0,4KV trạm bơm Nam Cửu An, thay mới 1 át tô mát tổng trạm bơm Hùng An, tu sửa 9 đường điện hạ thế và các hạng mục sửa chữa theo kế hoạch. Ngoài ra, công ty thường xuyên kiểm tra hệ thống điện điều khiển, tủ khởi động, máy biến áp, các thiết bị đóng cắt ở một số trạm bơm, bảo đảm 100% số máy bơm chủ động phục vụ phòng, chống úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan