KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 26/09/2024 - Lượt xem: 144
Chuyển đổi công nghiệp là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Việc chuyển đổi công nghiệp là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đang tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng...

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh 2024 lần thứ 5, chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tỉnh, thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế.
Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác với TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đối thoại với các doanh nghiệp (Ảnh VGP/Nhật Bắc) 
Chuyển đổi công nghiệp là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu
Phát biểu đề dẫn phiên đối thoại, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết:
Trong 5 năm gần đây, kinh tế Thành phố tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Hằng năm, Thành phố đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách và của cả nước. Trong sự phát triển kinh tế của Thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao.
Thành phố tiếp tục tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp. Để chuyển đổi công nghiệp thành công, ngoài nỗ lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thành phố cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Phiên đối thoại chính sách được diễn ra sôi nổi, thực chất, dưới hình thức hỏi đáp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi sâu rộng với các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, phát triển xanh, bền vững; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; các chính sách, đặc thù và bứt phá khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực trên; giải pháp đột phá phát triển khoa học công nghệ, chính sách thu hút đầu tư FDI thế hệ mới, chính sách tín dụng xanh, ngoại giao kinh tế…
Trả lời câu hỏi về cơ chế, chính sách tạo đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế, nhất là chuyển đổi công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, Đảng đã có chủ trương, đường lối về chuyển đổi kinh tế, trong đó có Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã và đang hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Chính phủ phải nắm chắc tình hình, phân tích, đưa ra các giải pháp để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình và tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế thế giới.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc chuyển đổi công nghiệp là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đang tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội; nâng cao năng lực quản trị; đào tạo nguồn nhân lực; huy động sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại phiên Đối thoại (Ảnh VGP/Nhật Bắc) 
Trả lời câu hỏi về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đất nước, bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Muốn phát triển khoa học, công nghệ, trước hết phải phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo khoa học cơ bản để làm nền tảng cho phát triển khoa học, công nghệ. Do đó, Đảng xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và thúc đẩy thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Từ nhận thức đó, Chính phủ đã thể chế hóa bằng pháp luật, các cơ chế, chính sách, các chương trình…; huy động nguồn lực vào phát triển khoa học, công nghệ; có giải pháp về cán bộ, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì đất nước vì nhân dân.
Về câu hỏi đối với chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để phát triển Việt Nam xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó có nguồn lực từ FDI. Vì các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đưa vào Việt Nam tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực… mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Muốn thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã và đang hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thúc đẩy phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội để giảm chi phí logictics, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhân lực cho các ngành mới nổi…, với phương châm “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản lý phải thông minh”.
Khẳng định, Việt Nam luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục đầu tư lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam.
Đối với nội dung về xây dựng hạ tầng số - nền tảng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chúng ta quyết tâm không để thiếu điện và phải làm điện sạch. Đồng thời, phải phủ sóng viễn thôn ở tất cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chúng ta đã quyết tâm phát triển hạ tầng giao thông nhưng với hạ tầng số còn có quyết tâm cao hơn, theo xu thế của thế giới. Bên cạnh quyết tâm chính trị thì cơ chế, chính sách huy động nguồn lực rất quan trọng, chúng ta đang học hỏi kinh nghiệm thế giới để xây dựng thể chế phát triển hạ tầng số toàn diện, hiệu quả.
Các đại biểu tham dự phiên Đối thoại  (Ảnh VGP/Nhật Bắc) 
Về câu hỏi Chính phủ đã làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, do biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên… khiến vấn đề phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy và Việt Nam xác định không hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề môi trường tác động đến mọi người dân, mọi quốc gia nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của người dân và có chính sách huy động sự tham gia của người dân phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Trả lời câu hỏi về tiến trình của Trung ương, địa phương thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay Trung ương đang làm chính sách, đường lối, cơ chế, luật pháp, chương trình, kế hoạch; đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, huy động nguồn vốn… cho vấn đề này. Còn địa phương phải chủ động thực hiện theo thẩm quyền để thực hiện theo chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, vận dụng một cách tốt nhất phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; huy động sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.
Phải xây dựng thể chế cùng TP Hồ Chí Minh để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố
Phát biểu chỉ đạo, kết luận phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh TP Hồ Chí Minh tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế lần thứ 5 với quy mô ngày càng lớn, vấn đề sâu sắc, toàn diện, nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác quốc tế. Đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn tập trung về chuyển đổi công nghiệp, Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rộng, là tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của TP Hồ Chí Minh và cũng là chủ đề mang tính thời sự quốc tế. Thủ tướng đánh giá TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP Hồ Chí Minh, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường. Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (cơ khí chế tạo, hóa chất…) vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Tại phiên Đối thoại chính sách chiều nay, đại diện các bộ, ngành cũng đã có sự chia sẻ thẳng thắn về nhiều nội dung mà các đại biểu trong nước , quốc tế quan tâm (Ảnh VGP/Nhật Bắc) 
Để TP Hồ Chí Minh làm được vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thành phố đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với đó, phải phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và phải có các giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư. Thành phố xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đề cập đến trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng thể chế cùng TP Hồ Chí Minh, chú trọng ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của thành phố, xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù cho thành phố. Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi tinh thần “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”.  Đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, Thành phố phải đảm bảo “hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh” để các doanh nghiệp phát triển; doanh nghiệp thành công cũng là thành công của Thành phố và của cả nước.
Đối với các đối tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn dành cho Việt Nam ưu đãi về tài chính; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu; góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị; đóng góp ý kiến cho Việt Nam hoàn thiện thể chế…
Nhấn mạnh tinh thần “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, Thủ tướng tin tưởng, với sự chân thành, các đại biểu dự Diễn đàn "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP Hồ Chí Minh” và Đối thoại chính sách đều có "món quà" mang về, đó là kiến thức mà Diễn đàn, Đối thoại mang lại.
Sau Diễn đàn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, rà soát các ý kiến, tham luận, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học để sớm giải quyết, xử lý và tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, chính sách./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/
Tin liên quan