Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật Đường bộ theo hướng giao Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc.
Sáng 11/6, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng đất tại các đô thị hiện hữu, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung theo hướng quy định: đối với một số đô thị có yếu tố đặc thù ngoài quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 thì tỷ lệ đất dành cho giao thông sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Về phí sử dụng đường cao tốc, theo báo cáo của Ban soạn thảo, tại khoản 2 Điều 85 dự thảo Luật Đường bộ quy định “Các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2024”.
Theo đó, quy định này sẽ có hiệu lực sớm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai công tác thu phí như: đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí (phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, lập thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị, công nghệ thu phí); xây dựng mức thu phí, cơ chế quản lý phí sử dụng đường bộ... Sau khi đã bảo đảm các điều kiện về hạ tầng, nguồn lực sẽ thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc.
Mặt khác, đây là một chính sách mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong khi một số dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác và đang xây dựng chưa được bố trí vốn cho các hạng mục thu phí do chưa có quy định thu. Vì vậy, cần phải tổng hợp, thống kê đối với tính chất và nhu cầu của từng dự án để chuyển tiếp phù hợp, khả thi, trong đó có cân nhắc đến các yếu tố hiện trạng dự án, yêu cầu về trang thiết bị thu phí, việc bố trí vốn, thời gian lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư lắp đặt trang thiết bị và vận hành thu phí.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo một số nội dung lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. (Ảnh: DUY LINH)
Để bảo đảm các yêu cầu nêu trên và tránh việc hiểu ngày 1/10/2024 sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung khoản 3 Điều 50, cụ thể: “Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc”.
Dự kiến nội dung này được quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đường bộ theo hướng đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác được thu phí và triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng phải đáp ứng một số điều kiện.
Cụ thể là: công trình đường bộ cao tốc đã được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng; hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị bảo đảm công tác vận hành, phục vụ việc thu phí theo hình thức điện tử không dừng; hoàn thành công tác lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định; có quy định về mức thu, chế độ quản lý thu phí sử dụng đường cao tốc...
Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền đầu tư, quản lý đường cao tốc, thống nhất với pháp luật về phí và lệ phí, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý khoản 1 Điều 84 dự thảo Luật để bổ sung nội dung giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với các tuyến đường cao tốc do địa phương đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)
Góp ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nội dung quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế và với xu thế phát triển trong tương lai của đô thị.
Theo ông Tùng, quy định này kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tuy nhiên đây là quy định dành cho đô thị xây dựng mới, không áp dụng cho đô thị hiện hữu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là khác biệt rất cơ bản, dự thảo Luật đang quy định áp dụng chung cho các đô thị chứ không có sự phân biệt, từ đó đặt ra vấn đề về tính khả thi của quy định.
“Thực tế hiện nay tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đất dành cho giao thông tính trên đất xây dựng đô thị mới chỉ đạt 13-15%, nếu chúng ta áp dụng ngay quy định tại dự thảo Luật thì các thành phố nói trên đều không đạt quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (dự thảo Luật quy định quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ tại đô thị loại đặc biệt từ 18 đến 26%)”, ông Tùng nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, dự thảo đã có sự phân định cơ bản phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, bám sát các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tiếp thu tối đa, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
“Dù còn một ý kiến cũng phải giải trình thấu đáo để đạt sự đồng thuận cao của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu.
Nguồn: https://nhandan.vn