Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ đặt mục tiêu hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đại diện doanh nghiệp nhận vinh danh Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu năm 2023. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Vài năm gần đây, sự phát triển nhận thức về các vấn đề mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, rủi ro dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, bất bình đẳng... nhiều doanh nghiệp đã và đang thúc đẩy xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG (môi trường-xã hội-quản trị) kinh doanh hay đầu tư bền vững.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp bám sát “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” của Chính phủ.
Con đường hướng đến ESG
Cụ thể, chương trình này đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, tư vấn, quản lý về kinh doanh bền vững; hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” cũng được kỳ vọng sẽ là công cụ góp phần thiết lập dữ liệu về phát triển bền vững giúp Chính phủ, các tổ chức xã hội liên quan đưa ra những chính sách bám sát thực tế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; đồng thời, hướng đến một Việt Nam thực hiện cam kết về mục tiêu tại Hội nghị COP26 về việc giảm phát thải ròng về bằng không (Net Zero) vào năm 2050; khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh, tài nguyên trong hệ sinh thái.
Theo ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng HSBC Việt Nam, chung tay cùng Chính phủ Việt Nam, HSBC Việt Nam đã cam kết sẽ tài trợ 12 tỷ USD trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam đến năm 2030, đóng góp vào quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia và biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 thông qua chia sẻ thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cam kết xây dựng nguồn lực và năng lực cần thiết trong lĩnh vực bền vững xây dựng tiêu chuẩn phân loại tài sản bền vững và sản phẩm tài chính Việt Nam.
Còn bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho hay PwC luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong các dịch vụ tu vấn lập báo cáo ESG/ phát triển bền vững theo các chuẩn mực và khung về ESG, hỗ trợ điều chỉnh và tích hợp tầm nhìn phát triển bền vững mục tiêu, cũng như giá trị vào chiến lược phát triển tổng thể của doanh nghiệp.
Điển hình, PwC xây dựng và triển khai chương trình phát triển bền vững thiết thực như sáng kiến được ưu tiên, công cụ hỗ trợ, chỉ số đánh giá hiệu quả, đo lường các mục tiêu.
Liên quan đến phát triển bền vững, một số chuyên gia cũng đánh giá, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế nhưng biến đổi khí hậu gây ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại COP26 (Conference of the Parties - Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu đưa tổng khí phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.
Chính vì vậy, nếu trước đây doanh nghiệp hướng đến mục tiêu tồn tại, thì hiện nay và trong thời gian tới cần phải tồn tại bền vững nên thúc đẩy mô hình kinh doanh hướng đến "Net Zero" là con đường phải thực hành, chứ không còn là sự lựa chọn nữa.
Chiến lược phát triển bền vững không chỉ là câu chuyện tiền nhiều hay tiền ít, hoặc có tiền hay không mà là sự quyết tâm trong lựa chọn hướng đi với từng bước nhỏ nhất dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế, điều hành của Chính phủ, nhu cầu của người lao động.
Ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II), USAID chỉ ra rằng trong bối cảnh tham gia vào những nỗ lực chung của toàn cầu về lĩnh vực năng lượng, cũng sẽ đồng thời giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam thuộc nhóm có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi năng lượng rất mạnh mẽ, nhất là liên quan đến những vấn đề như cung ứng, cân đối và đảm bảo an ninh năng lượng làm xanh hóa nền kinh tế, hướng đến tăng trưởng xanh.
Chiến lược cụ thể hóa ESG
Ghi nhận kết quả bình chọn Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2023 (CSA 2023) vừa qua, cũng cho thấy nhiều mô hình kinh doanh, sản xuất mới theo đuổi giá trị ESG trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vốn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng khách hàng, tỷ suất lợi nhuận cao hơn, thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
Đáng chú ý, kết quả bình chọn cho thấy phần lớn công ty đang tìm cách cải thiện quy trình kinh doanh để hướng tới các nỗ lực phát triển bền vững nhất có thể.
Trong xu hướng ngày càng nhiều công ty toàn cầu chỉ chấp nhận làm việc với những nhà cung cấp cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường thì doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ dễ chinh phục người tiêu dùng toàn cầu.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực trong quản lý chuỗi cung ứng bền vững của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu nhằm tìm cách thúc đẩy hoạt động bền vững trên mạng lưới cung ứng đa quốc gia.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm chủ tịch Ủy ban ESG, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ tại PNJ, chiến lược ESG được tích hợp vào chiến lược phát triển tổng thể của công ty.
PNJ luôn nhận diện toàn diện các vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm theo thế kiềng 3 chân E-S-G.
Trong đó, triết lý của PNJ về ESG là “PNJ hành động có trách nhiệm để tôn vinh vẻ đẹp của con người và cuộc sống một cách bền vững" nên đã thực sự nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế.
Có thể thấy, việc doanh nghiệp đi trên con đường phát triển bền vững, hướng đến môi trường và cộng đồng, hoạt động xã hội là một lợi thế cạnh tranh sắc nét.
Tương tự, ông Phạm Duy Khiêm, Giám đốc, Quản lý Chuỗi Cung ứng Toàn quốc, DKSH Việt Nam cho biết, là một trong những doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam đã minh chứng cho cam kết hướng đến sự phát triển bền vững trong hoạt động vận hành kinh doanh, nhất là quản lý chuỗi cung ứng của DKSH.
Kết hợp triển khai theo định hướng phát triển bền vững từ Tập đoàn với mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050 của quốc gia, DKSH sẽ tiếp tục nỗ lực một cách có trách nhiệm để cùng hướng đến một tương lai bền vững tại Việt Nam.
Hiện tại, DKSH là đối tác đáng tin cậy ở bốn ngành hàng chính tại Việt Nam, mang đến những dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng đảm bảo tính bền vững cho tất cả các khách hàng của công ty.
Sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp với tám trung tâm phân phối và trạm trung chuyển trên toàn quốc, DKSH xử lý hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày giúp đảm bảo khả năng tiếp cận đến các sản phẩm chất lượng cao trên khắp Việt Nam.
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp tại Việt Nam đã đưa phát triển bền vững trở thành mũi nhọn chiến lược phát triển bền vững. Cụ thể, công ty CP Sữa Vinamilk đã đặt ra mục tiêu cho chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 là 100% nhà máy và trang trại đã hoàn thành kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064. Hay 85.000 tấn CO2 được giảm thải nhờ sử dụng năng lượng mặt trời, tương đương 4,6 triệu cây xanh được trồng.
Nhiều doanh nghiệp chỉ ra rằng ESG cần được nhìn nhận như một tầm nhìn chiến lược cốt lõi trong doanh nghiệp, bởi ESG là con đường cần thiết phải đi và phải được cụ thể hóa rõ ràng. Do đó, doanh nghiệp phải hiểu vai trò của ESG và những thị trường mà doanh nghiệp hướng đến để quản trị nội bộ, cũng như phối hợp với mạng lưới đối tác bên ngoài thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững phù hợp.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế năng lực và kỹ năng triển khai, cần nhìn nhận ESG là những chặng đường có thể làm tốt hơn mỗi ngày, hay triển khai từ bước cơ bản với tầm nhìn hướng đến phát triển bền vững.
Tại mỗi doanh nghiệp thì tầm nhìn của Ban lãnh đạo, người đứng đầu là vấn đề quan trọng hàng đầu, tiếp theo mới đến chiến lược và những yếu tố khác, vì nếu không nhận diện được tầm nhìn quan trọng của ESG thì khó thực hành vào quy trình hàng ngày của doanh nghiệp./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn