Những năm qua, Thường trực HĐND tỉnh có nhiều đổi mới trong hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bảo đảm vai trò hạt nhân quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Tại những kỳ họp HĐND tỉnh, các nghị quyết được ban hành đều bảo đảm đúng quy trình, bám sát thực tiễn, đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận của cử tri và Nhân dân.
Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khoá XVII
Để các kỳ họp HĐND tỉnh được tổ chức bảo đảm theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả, hằng năm, Thường trực HĐND tỉnh đều xây dựng kế hoạch công tác chuẩn bị nội dung các kỳ họp ngay từ đầu năm; tích cực trao đổi, phối hợp với UBND tỉnh chuẩn bị nội dung trình các kỳ họp. Trong quyết định nội dung trình kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh luôn chú trọng xem xét về sự cần thiết, căn cứ pháp lý, sự tác động chính sách, khả năng cân đối nguồn kinh phí thực hiện. Khi các nội dung trình kỳ họp được thống nhất, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban của HĐND tỉnh theo dõi, đốn đốc các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị nội dung; tiếp cận sớm các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Đồng thời, khảo sát các đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri; thống nhất rõ thời hạn để các cơ quan chức năng gửi tài liệu theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm tra và tạo thuận lợi cho đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu. Thường trực HĐND tỉnh phân công trách nhiệm cho các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, tham gia thảo luận về các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, nhằm tăng tính khả thi của nghị quyết khi đi vào cuộc sống.
Công tác thẩm tra các tờ trình, dự thảo Nghị quyết được các Ban của HĐND tỉnh chú trọng. Trong đó, các ban luôn bố trí thời gian hợp lý để nghe các cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ những nội dung, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo nghị quyết và các nội dung thẩm định đề nghị điều chỉnh của Sở Tư pháp. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, góp ý của các thành viên, các ban yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và chuyển dự thảo mới để thành viên các Ban, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục xem xét, thống nhất trước khi xây dựng và ký ban hành các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp.
Bên cạnh đó, trước các kỳ họp, việc tuyên truyền về kỳ họp đến các cử tri và Nhân dân trong tỉnh được đẩy mạnh. Việc chỉ đạo ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ đại biểu trong các kỳ họp, thực hiện “kỳ họp không giấy” được Thường trực HĐND tỉnh giao Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh thực hiện, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Theo số liệu tổng hợp từ đầu năm 2024 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp không thường lệ của HĐND tỉnh khóa XVII (Kỳ họp thứ 19 và Kỳ họp thứ 20) để thảo luận, thống nhất, thông qua và ban hành 27 nghị quyết về các chủ trương, chính sách quan trọng. Đây là căn cứ pháp lý để UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng giữa các kỳ họp HĐND tỉnh.
Trước khi ban hành, những nghị quyết của HĐND tỉnh đã được khảo sát, đánh giá tình hình, sự tác động đối với đời sống xã hội; các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như các giải pháp triển khai thực hiện cũng được xác định rõ. Vì vậy, khi các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành đều nhanh chóng được cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó, nhận được sự đồng thuận cao của cử tri và Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là các nghị quyết liên quan đến các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng nông thôn. Nổi bật là Nghị quyết số 445/NQ-HĐND ngày 11/4/2024 thông qua Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính là căn cứ pháp lý để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/1/2023 của Quốc hội, Quy hoạch vùng để phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Hưng Yên theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/6/2024 vừa qua. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành của tỉnh triển khai thực hiện nhằm đưa Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững.
Cử tri huyện Văn Giang phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND tỉnh với cử tri huyện Văn Giang trước kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khoá XVII
Nghị quyết số 456/2024/NQ-HĐND ngày 06/6/2024 Quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và một số chế độ, chính sách đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Nghị quyết số 452/2024/NQ-HĐND ngày 11/4/2024 quy định về việc không thu một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được HĐND tỉnh ban hành ngày 11/4/2024... tạo được hiệu ứng xã hội tốt, người dân phấn khởi.
Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 (kỳ họp thứ 21) HĐND dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12/7/2024. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh dự kiến xem xét, thảo luận cho ý kiến đối với 37 báo cáo, tờ trình do Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan hữu quan trình tại kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, phân công các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chuẩn bị chu đáo các nội dung trình kỳ họp, bảo đảm bám sát với chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và những vấn đề đang được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm.
Có thể khẳng định, chất lượng các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành luôn bảo đảm đúng thẩm quyền, hình thức, tính hợp hiến, hợp pháp, cũng như kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Từ đó tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân trong tỉnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn