KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 20/12/2023 - Lượt xem: 628
Đổi mới nền hành chính nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

Chiều 20/12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nội vụ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dự hội nghị.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chủ trì hội nghị.
Phát biểu ý kiến khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt thực hiện tốt “3 đột phá, 4 trọng tâm”, tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương.
Nổi bật là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm sự liên thông, thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước. Đồng thời đã chủ động, tích cực giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó và những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đặt ra và yêu cầu, nhiệm vụ của xu thế đổi mới và phát triển, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức hành chính bên trong cơ quan chuyên môn ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công. Tập trung hướng dẫn, hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong cải cách mạnh mẽ nền công vụ, công chức, Bộ trưởng cho biết, toàn ngành Nội vụ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức.
Đáng chú ý là việc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và tập trung giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ. Tăng cường thanh tra công vụ, công chức và xử lý nghiêm việc sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, điều chỉnh mức lương cơ sở lên 20,8% từ ngày 1/7/2023; tích cực tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương bảo đảm đồng bộ, thống nhất để thực hiện từ ngày 1/7/2024; hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức và kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thẩm định, tham mưu chặt chẽ, đúng quy định công tác cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2023 cũng để lại dấu ấn quan trọng trong việc tập trung tham mưu triển khai quyết liệt thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Trong đó, tích cực tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 60 đơn vị hành chính đô thị của 12 tỉnh và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương. Đổi mới căn bản, toàn diện đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Toàn ngành đã chủ động tham mưu nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy và công vụ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước.
​Các lĩnh vực trọng tâm khác như: Thi đua-khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng từ ngày 1/1/2024. Chủ động, nắm tình hình và kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn, tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của tôn giáo, tín ngưỡng.
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác văn thư-lưu trữ; quản lý tổ chức hội, quỹ bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, phát huy tích cực vai trò các tổ chức Hội trong việc tham gia phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã chủ động, quyết liệt,quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần thay đổi nhận thức và phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và toàn ngành Nội vụ.
​Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn nhận thấy còn nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ.
Nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ: tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc;tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm; kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm. Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
Công tác tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới của ngành nội vụ là rất nặng nề.
Tại hội nghị, các đại biểu phân tích, đánh giá làm sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những kết quả đạt được trên từng lĩnh vực công tác của Bộ, ngành nội vụ năm 2023, thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học và nguyên nhân để có giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tham gia, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chương trình công tác năm 2024 của ngành nội vụ nhằm thể chế hoá kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với ngành nội vụ.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan