KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 26/09/2023 - Lượt xem: 903
Đổi mới nhận thức lý luận về đội ngũ trí thức và tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong điều kiện phát triển mới của đất nước (kỳ I)

Trong suốt tiến trình phát triển của nhân loại, trí thức luôn được đặt ở một vị trí đặc biệt và được xem là nền tảng của tiến bộ xã hội. Trí thức luôn có tầm ảnh hưởng lớn, trực tiếp dẫn dắt xu hướng phát triển của xã hội; là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tiếp nhận, truyền tải, lan tỏa, sáng tạo văn hóa, tri thức, đem tri thức phục vụ cho sự phát triển, tiến bộ, văn minh. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là cần tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi để tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam _Ảnh: TTXVN
Quan niệm về trí thức
Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, thuật ngữ “trí thức” bắt nguồn từ “интеллигенция” trong tiếng Nga thế kỷ XIX. Theo đó, trí thức được xem là những người có nền tảng giáo dục bài bản, mang tinh thần phê phán hiện thực và nêu cao giá trị đạo đức xã hội(1). Đến nay, khái niệm “trí thức” (интеллигенция) trong tiếng Nga vẫn được định nghĩa là một nhóm người lao động trí óc trong xã hội, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực sáng tạo có tính chất phức tạp; phát triển và phổ biến giáo dục, văn hóa và có sự khác biệt về những khát vọng tinh thần, đạo đức, nghĩa vụ và danh dự(2).
Một số ý kiến khác cho rằng, thuật ngữ “trí thức” bắt nguồn từ “intellectuel” - xuất hiện lần đầu tiên trong tiếng Pháp năm 1898 tại một bản kháng án đòi minh oan, phục hồi danh dự cho một quân nhân Pháp. Cho đến năm 1906, Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là Clemenceua đã ký ban hành một văn bản gọi là “Tuyên ngôn của trí thức” (Manifeste Des Intellectuels)(3); và từ đây, thuật ngữ “trí thức” dần được đưa vào sử dụng chính thức trong các từ điển tiếng Pháp, là thuật ngữ dùng để chỉ những thứ thuộc về đời sống tinh thần, trí tuệ và lao động trí óc hoặc dùng để chỉ tầng lớp có văn hóa, biết bảo vệ lương tri và công lý xã hội.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã sớm nhận thấy trí thức là vấn đề lớn, phức tạp, cần được nghiên cứu sâu sắc. Theo C. Mác và Ph. Ăng-ghen, trí thức ra đời là hệ quả của lịch sử phân công lao động xã hội. Trí thức xuất hiện khi trong xã hội có sự phân công lao động sâu sắc giữa lao động chân tay và lao động trí óc. C. Mác nhận định: “Phân công lao động chỉ trở thành sự phân công lao động thực sự từ khi xuất hiện sự phân chia thành lao động vật chất và lao động tinh thần”(4). Trong xã hội tư bản, C. Mác gọi những người lao động trí óc là “kẻ lao động làm thuê”; khi họ giác ngộ lập trường của giai cấp công nhân thì Ph. Ăng-ghen gọi đó là “giai cấp vô sản lao động trí óc” - tầng lớp trí thức mới của giai cấp công nhân. Theo V.I. Lê-nin, trí thức là “tầng lớp đặc biệt”, “bao hàm tất cả mọi người có học thức,... các đại biểu của lao động trí óc”(5). Có thể thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đều nhìn nhận trí thức là một tầng lớp xã hội trung gian, gắn bó mật thiết với các giai tầng khác, thường phụng sự giai cấp thống trị và có đặc trưng cơ bản là có học thức và thường xuyên lao động trí óc, là lực lượng không thể thiếu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ở Việt Nam, kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về trí thức, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất, đặc trưng của trí thức. Người chỉ rõ: “Trí thức là hiểu biết... Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song... công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”(6). Điều đó có nghĩa là, ngoài việc có học thức, người trí thức phải có năng lực thực hành và ứng dụng, vận dụng hiểu biết của mình để phục vụ trực tiếp cho xã hội. Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa X, Đảng ta lần đầu tiên đưa ra quan niệm có tính chất định nghĩa về trí thức: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”(7).
Như vậy, trên thế giới đã xuất hiện nhiều cách định nghĩa khác nhau về “trí thức”; tuy nhiên, mỗi định nghĩa chỉ thể hiện được một phương diện nhận thức nhất định, nhằm trừu tượng hóa, khái quát hóa nhóm đặc điểm, tính chất nào đó của đối tượng, không thể bao gồm hết nội hàm phức tạp của đối tượng. Mặc dù vậy, chúng ta cũng có thể xác định một số nội hàm có những thuộc tính chung được đề cập trong các quan niệm về trí thức, cụ thể là:
Thứ nhất, trong xã hội có đối kháng giai cấp, trí thức là một tầng lớp xã hội trung gian đặc biệt. Sở dĩ như vậy là do trong lao động xã hội, trí thức không có quan hệ riêng và trực tiếp với tư liệu sản xuất chủ yếu, không đại diện cho một phương thức sản xuất nào; trí thức thường gắn liền và phụng sự lợi ích của giai cấp thống trị. Trí thức cũng không có hệ tư tưởng riêng, mà thường đi theo hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, đứng trên lập trường của giai cấp thống trị. Trí thức có xuất thân không thuần nhất, có mối liên hệ về kinh tế với các giai cấp khác nhau. Chính vì thế, khi đặt trong cơ cấu giai tầng của xã hội, người ta gọi trí thức là một tầng lớp; nhưng xét về phương diện nguồn lực cho sự phát triển xã hội, trí thức được gọi là một đội ngũ(8).
Thứ hai, dù ở đâu, trong thời kỳ nào, trí thức đều được xác định là những người có trình độ học vấn cao, trình độ chuyên môn sâu và có phông kiến thức phong phú. Trình độ học vấn và chuyên môn của người trí thức được thể hiện không chỉ ở bằng cấp, học hàm, học vị, mà còn ở năng lực sáng tạo, những kinh nghiệm, tri thức quý báu mang tính phổ quát, có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội do họ tự tích lũy, đúc rút được từ quá trình lao động trí óc, tư duy khoa học, với năng lực tư duy độc lập, khả năng sáng tạo. Hơn thế nữa, lao động trí óc của người trí thức là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, có tính chuyên nghiệp, có sự ứng dụng tri thức để phát kiến, phát minh ra những sản phẩm (bao gồm cả vật chất và tinh thần). Trong đó, sản phẩm tinh thần do trí thức tạo ra rất khó “định giá”, nhưng thường tác động mạnh mẽ đến sự phát triển mọi mặt trong đời sống xã hội.
Thứ ba, ngoài năng lực tư duy, lao động trí óc, người trí thức đích thực còn có đời sống tư tưởng, tinh thần tích cực, có phẩm chất đạo đức, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm về cộng đồng, luôn cống hiến vì sự phát triển, tiến bộ của con người và xã hội, có lương tri và sẵn sàng bảo vệ công lý. Sản phẩm do họ tạo ra có giá trị dẫn dắt, gợi mở, hướng xã hội đi đến những giá trị chân - thiện - mỹ, vì con người, cho con người, lấy con người làm trung tâm. Do vậy, nếu người nào chỉ có trình độ học vấn cao mà không có những yếu tố về nhân cách, đạo đức và lý tưởng thì chưa phải là trí thức theo nghĩa tích cực.
Đặc điểm của trí thức Việt Nam
Thứ nhất, đội ngũ trí thức Việt Nam được hình thành từ nhiều thành phần xã hội khác nhau.
Do Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của Đông Á, là nơi giao thoa, cộng hưởng của nhiều nền văn hóa, văn minh trong khu vực và trên thế giới, giữa phương Đông và phương Tây, nên trí thức Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhiều tư tưởng khác nhau và có thành phần xuất thân khá đa dạng. Trước đây, tầng lớp trí thức của các triều đại phong kiến Việt Nam phần lớn là những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc, là những người thuộc hoàng gia, quốc thích, gia đình quan lại, địa chủ và một bộ phận xuất thân từ tầng lớp bình dân do học hành, thi cử đỗ đạt mà thành. Trí thức phong kiến được định danh bằng nhiều tên gọi khác nhau, như: trí giả, sĩ phu, chí sĩ, văn thân, văn nhân, nhân sĩ, kẻ sĩ, hiền tài..., là những người có học hành, có tri thức, gắn với chế độ khoa cử và là lớp nhân lực dự bị cho quan trường, nhưng lại khá gắn bó với nhân dân - nơi mà nhiều kẻ sĩ đã xuất thân.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng trí thức Việt Nam được tập hợp đông đảo; trong đó, bao gồm một bộ phận trí thức xuất thân từ nhiều giai tầng khác nhau, như tư sản, tiểu tư sản, quan lại, sĩ phu phong kiến, trí thức bình dân được “vô sản hóa” và bộ phận trí thức cơ bản là trí thức vô sản. Về sau, đội ngũ trí thức cách mạng được hình thành và phát triển thông qua quá trình “công nông hóa trí thức”, cải tạo trí thức cũ và đào tạo trí thức mới. Từ đó, trí thức đã tạo thành một lực lượng có vai trò to lớn trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đội ngũ trí thức ngày càng được bổ sung phong phú từ nhiều giai tầng trong xã hội. Trí thức Việt Nam có mặt trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động sản xuất của đời sống xã hội, như lãnh đạo, quản lý, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh,... Lực lượng trí thức Việt Nam dần được mở rộng, nhưng không có sự phân biệt, phân hóa sâu sắc về giai tầng xuất thân; họ hòa đồng và có mối liên hệ chặt chẽ với các giai tầng khác, nhất là với giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp và góp phần xây dựng khối đoàn kết chặt chẽ giữa các giai tầng trong xã hội Việt Nam. Đảng ta nhận định: “Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới”(9).
Thứ hai, trí thức Việt Nam được đào tạo chuyên sâu từ nhiều nền giáo dục, là lực lượng tiên phong trong tiếp thu, lan tỏa và sáng tạo tri thức mới.
Cùng với tiến trình diễn biến của lịch sử, văn hóa, xã hội, tầng lớp trí thức Việt Nam được hình thành và phát triển từ nhiều nền giáo dục. Trong xã hội phong kiến, tầng lớp trí thức được đào tạo từ nền giáo dục chính thống, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo. Đây là lớp trí thức Nho học gắn liền với chữ Hán và chế độ khoa cử; là một trong “tứ dân” (sĩ - nông - công - thương) của xã hội lúc bấy giờ, được học hành, rèn luyện bằng cách “dùi mài kinh sử” và “nuôi trí lớn” với mong ước được làm quan, được tham chính giúp đời.
Khi chế độ khoa cử khép lại do sự xâm lược của thực dân Pháp và sự xâm lấn của văn hóa phương Tây, tầng lớp trí thức tân học Việt Nam xuất hiện, được xem là sản phẩm của nền văn hóa, giáo dục phương Tây với nhiều luồng tư tưởng tự do, dân chủ, gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa giáo. Một bộ phận trí thức tân học này được học tập bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ tại các trường do Pháp lập ra ở Đông Dương; một bộ phận còn lại được đào tạo từ Pháp hoặc từ các nước phương Tây khác, tạo ra một lực lượng trí thức Tây học ngày càng đông đảo và dần chiếm lĩnh vị trí của tầng lớp trí thức Nho học trong xã hội lúc bấy giờ. Họ là tầng lớp nhạy bén với cái mới; trong đó, nhiều thanh niên trí thức đã sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước, tiếp thu và truyền bá những tư tưởng mới vào Việt Nam.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng trí thức cách mạng Việt Nam được hình thành và phát triển thông qua quá trình “công nông hóa trí thức”, cải tạo trí thức cũ và đào tạo trí thức mới, bằng cách giáo dục, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ trương, đường lối của Đảng. Đảng đã thu hút, tập hợp, xây dựng đội ngũ trí thức, giúp họ gần gũi với nhân dân lao động bằng các hoạt động sản xuất, chiến đấu, phục vụ kháng chiến. Cùng với tiến trình phát triển của cách mạng, đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng lớn mạnh, tuyệt đại đa số là con em cán bộ, công chức, công nhân, nông dân, được đào tạo trong chế độ mới.
Cho đến nay, đội ngũ trí thức Việt Nam “được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài”(10), trở thành lực lượng tiên phong trong quá trình truyền tải, lan tỏa, vận dụng và phát triển, sáng tạo tri thức mà mình đang có cho xã hội, phục vụ sự tiến bộ, phát triển của đất nước.
Lịch sử dân tộc đã chứng minh, trí thức “là chìa khóa, then chốt cho sự hưng thịnh của cộng đồng xã hội, từ hạt nhân nhỏ nhất là gia đình, đến tế bào là làng xã và lớn hơn là quốc gia dân tộc”(11). Cùng với trình độ học vấn, năng lực tiếp thu, phát triển, sáng tạo, đội ngũ trí thức Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong trong việc truyền bá tri thức, hệ tư tưởng; luôn trăn trở về thời cuộc, không ngừng kiếm tìm con đường giải phóng con người, giải phóng dân tộc và luôn khao khát cái mới, sự tự do. Họ cũng là những người được rèn luyện kỹ càng về tư tưởng, phẩm chất đạo đức với các giá trị: Trung thực, cống hiến, có ý thức trách nhiệm cao với xã hội. Chính vì thế, trí thức Việt Nam đã có đóng góp thiết thực vào những vấn đề quan trọng của dân tộc, đất nước; là đội ngũ tinh hoa, là nguồn lực chất lượng cao của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Thứ ba, trí thức Việt Nam trong mọi thời đại luôn có lòng yêu nước, gắn bó mật thiết với các giai tầng khác trong xã hội, sẵn sàng cống hiến hết mình vì độc lập, tự do và sự phát triển bền vững của quốc gia - dân tộc.
Lịch sử nước ta là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước; điều này tạo nên truyền thống yêu nước thương nòi rất rõ nét trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam nói chung, tầng lớp trí thức nói riêng. Trong thời kỳ phong kiến, nhất là khi đất nước bị xâm lược, các chí sĩ, sĩ phu yêu nước đã có nhiều hình thức đấu tranh trên các mặt trận, như văn hóa, chính trị và vũ trang để bảo vệ nền độc lập dân tộc và gìn giữ bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc.
Đến đầu thế kỷ XX, sau một thời gian dài đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, đội ngũ trí thức tân thời được hình thành. Mặc dù có sự phân hóa nhất định, nhưng họ đều có điểm chung là yêu nước, căm ghét ngoại xâm, tích cực tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhà sử học Trần Huy Liệu khẳng định: “Trong đám thanh niên trí thức Việt Nam những năm 1925 - 1930, trên con đường cứu nước, có người là tín đồ của Mác - Lê-nin cũng có người là tín đồ của Tôn Dật Tiên, nhưng căn bản là có lòng yêu nước, phấn đấu cho nước độc lập, dân tộc được giải phóng”(12). Tuy nhiên, chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ngọn cờ của Đảng, được giác ngộ về lý tưởng Mác - Lê-nin, tầng lớp trí thức mới thực sự gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Có rất nhiều trí thức cống hiến của cải, vật chất cho kháng chiến, chấp nhận sự gian khổ, hy sinh để đi theo cách mạng; nhiều nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, luật sư,... đã dũng cảm hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc.
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tầng lớp trí thức nước ta đồng lòng đứng trong hàng ngũ của Mặt trận Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp khác, tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thứ tư, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tầng lớp trí thức ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu xã hội - nghề nghiệp.
Hiện nay, trong điều kiện mới của đất nước, cùng với xu thế toàn cầu hóa, khoa học - công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, hàm lượng tri thức trong các sản phẩm lao động xã hội ngày càng gia tăng và là yếu tố quyết định giá trị của lao động. Điều này đã thúc đẩy nền sản xuất quốc gia phát triển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hướng tới xây dựng nền kinh tế tri thức. Theo đó, các lực lượng lao động, các giai tầng xã hội cũng thay đổi, chuyển hóa theo xu hướng tri thức hóa. Một mặt, sự thâm nhập mạnh mẽ của tri thức, cụ thể là thông tin, phát minh, sáng kiến khoa học - công nghệ trong sản xuất, đã dẫn đến quá trình “trí thức hóa” các lực lượng lao động xã hội; không chỉ bộ phận trí thức mới có trình độ chuyên môn cao, mà cả những người công nhân, kỹ thuật viên cũng sở hữu lượng thông tin khoa học chuyên ngành khá sâu sắc. Tất cả họ đều được xem là lực lượng lao động chất lượng cao.
Mặt khác, đội ngũ trí thức Việt Nam có mặt trên tất cả các lĩnh vực, các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Xét về cơ cấu ngành, bất cứ ngành sản xuất nào, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ, cũng đều có sự tham gia của đội ngũ trí thức. Thực lực của đội ngũ trí thức quyết định năng suất và hiệu quả kinh tế của các hoạt động sản xuất trong xã hội. Do đó, đội ngũ trí thức được xem là lực lượng tiên phong, nòng cốt của quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện mới.
Nghiên cứu khoa học tại Khoa Công nghệ dược, Trường Đại học Dược Hà Nội _Ảnh: TTXVN
Vai trò và đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam
Vị trí, vai trò và đóng góp của trí thức trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trong truyền thống văn hóa và ý thức xã hội, trí thức thường được đặt ở vị trí hàng đầu (“nhất sĩ, nhì nông”). Năm 1484, Thân Nhân Trung viết trên bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các minh quân không đời nào không coi trọng việc giáo dục nhân tài, tuyển chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia”. Lê Quý Đôn cũng đã nhấn mạnh: “Phi trí tắc vong” (Không có trí thức thì chắc chắn sẽ mất nước).
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, trước sự đô hộ hà khắc của thực dân Pháp, đội ngũ trí thức Việt Nam có sự phân hóa thành hai bộ phận: Một bộ phận đi theo xu hướng của cách mạng vô sản và một bộ phận ngả theo lập trường của giai cấp tư sản. Bộ phận thanh niên trí thức được vô sản hóa đã đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, học tập, lĩnh hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào trong nước, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Nhận thức được vai trò to lớn của tầng lớp trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(13); “cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”(14). Người chỉ ra một vấn đề mang tính cốt yếu, xuyên suốt về vai trò của trí thức trong việc xây dựng lực lượng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đó là: “Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần. Bởi vì xã hội tương lai là một xã hội không có phân biệt giữa trí óc và chân tay”(15).
Trong những năm 1930 - 1931, dưới sự kêu gọi của Đảng, trí thức đã đứng về phía cách mạng, hăng hái tham gia các cao trào đấu tranh chống thực dân xâm lược, là một bộ phận trong lực lượng quần chúng cách mạng. Bước sang những năm 1936 - 1939, đông đảo trí thức tham gia phong trào quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh và trở thành một bộ phận trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Qua thực tiễn phong trào cách mạng những năm đầu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã được phổ biến rộng rãi và ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của tầng lớp trí thức Việt Nam.
Trong quá trình vận động tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, dưới ngọn cờ dẫn đường của Đảng và Mặt trận Việt Minh, trí thức tham gia đấu tranh trên khắp các mặt trận, nhất là mặt trận văn hóa. Năm 1943, Đảng đưa ra Đề cương về văn hóa Việt Nam, nêu rõ đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Đề cương đã trở thành “kim chỉ nam” định hướng cho trí thức trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Với sự tuyên truyền và tổ chức của Đảng, dưới sự tập hợp của Hội Văn hóa cứu quốc (thành lập năm 1943) và theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đông đảo thanh niên, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ đã bước vào hàng ngũ cách mạng, tham gia các phong trào do Việt Minh tổ chức, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi giành được độc lập dân tộc, việc xây dựng đội ngũ trí thức cách mạng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Trí thức Việt Nam chủ yếu là những người thuộc tầng lớp trí thức phong kiến, trí thức tân học, được đào tạo dưới chế độ cũ, đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp và giáo dục thành đội ngũ trí thức kháng chiến. Dù đội ngũ trí thức lúc bấy giờ còn nhỏ bé, nhưng đã góp phần to lớn trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc”(16). Trí thức là đội ngũ quan trọng tạo thành lực lượng chính trị rộng lớn, là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng.
Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) khẳng định, Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của công nhân, nông dân và lao động trí óc; cùng với công - nông, trí thức là một bộ phận hợp thành động lực của cách mạng, là nền tảng của chính thể dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Hưởng ứng sự vận động của Đảng, nhiều nhân sĩ, trí thức từng tham gia chính quyền cũ, trí thức ở nước ngoài trở về nước đã lên chiến khu, chấp nhận hy sinh, gian khổ, tận tâm cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến”(17). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trí thức góp phần đưa văn hóa trở thành một mặt trận đấu tranh. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân, chiến sĩ trên các mặt trận, đóng góp trí tuệ và sức lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức (năm 1957) nêu rõ quan điểm: “Trí thức là một vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được”(18).
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, trí thức miền Bắc hòa mình cùng các giai tầng xã hội khác thực hiện đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa; từng bước cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, đại đa số trí thức vẫn giữ vững tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, tham gia các đoàn thể dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đấu tranh chống chính sách cai trị phản động của đế quốc Mỹ và tay sai, bảo vệ lợi ích của quốc gia - dân tộc, bảo vệ hòa bình, công lý(19)...
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, đội ngũ trí thức và các hội trí thức Việt Nam không ngừng phát triển về tổ chức, đoàn kết, tập hợp rộng rãi trí thức tham gia. Hòa cùng các phong trào thi đua yêu nước của công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vị trí, vai trò và đóng góp của trí thức trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đất nước thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng với nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức càng thể hiện mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên lĩnh vực chính trị: Đội ngũ trí thức nước ta là lực lượng tiên phong trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để cung cấp những luận cứ khoa học khách quan, đề xuất hệ thống lý luận khoa học sát thực, tham mưu định hướng chiến lược cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định con đường phát triển đất nước ở tầm vĩ mô cũng như ở từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời, trực tiếp tham gia phản biện, đóng góp ý kiến về từng chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển đất nước. Những ý kiến tham vấn, phản biện, đóng góp của đội ngũ trí thức luôn có giá trị rất lớn, sức thuyết phục cao, thiết thực, khả thi, tin cậy. Đội ngũ trí thức còn tích cực tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước; qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và quản trị của Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức nước ta hiện nay là thành trì vững chắc, là lực lượng chủ yếu, là chiến sĩ tiên phong trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trên lĩnh vực kinh tế: Đội ngũ trí thức là bộ phận cơ bản của nguồn nhân lực chất lượng cao, là lực lượng sản xuất trực tiếp quyết định khả năng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng và phát triển kinh tế, là nhân tố nòng cốt quyết định trình độ, tốc độ phát triển và nội lực của nền kinh tế đất nước hiện nay. Đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chuyển giao công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của các ngành kinh tế, giúp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên lĩnh vực văn hóa: Đội ngũ trí thức là lực lượng có vai trò chủ đạo trong việc sáng tạo ra các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, góp phần làm cho nền văn hóa nước nhà ngày càng hiện đại, phong phú và tiến bộ, cũng như quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và tiếp thu, truyền bá những tinh hoa văn hóa nhân loại vào Việt Nam. Họ cũng là lực lượng xã hội thực hiện việc thẩm định, nhận diện, định hướng, tiếp nhận những giá trị văn hóa mới tích cực, tiến bộ, phù hợp và gạt bỏ những yếu tố phản văn hóa, “lai căng”, ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức, lối sống của con người Việt Nam và sự phát triển của đất nước. Thông qua hoạt động lao động trí óc, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay từng bước đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa, để văn hóa không chỉ phát huy giá trị tinh thần, mà còn trở thành một nguồn lực trong phát triển kinh tế của đất nước.
Trong lĩnh vực xã hội: Trí thức là lực lượng cơ bản trong thực hiện giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, không chỉ là giáo dục trình độ chuyên môn, kiến thức, mà còn đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, không chỉ đào tạo trong nước, mà còn đào tạo ở nước ngoài. Điều này làm cho lực lượng lao động Việt Nam ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hơn thế nữa, trí thức nước ta có vai trò to lớn trong việc nâng cao dân trí, định hướng giá trị, giải đáp nhiều vấn đề của xã hội đang đặt ra một cách khoa học, đúng đắn, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của xã hội, từ kinh tế đến tư tưởng, từ đối nội đến đối ngoại, quốc phòng, an ninh...
(còn tiếp)
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn
------------------------------
(1) Xu Jilin: “Trí thức có chết không?” (tiếng Trung), https://culture.ifeng.com
(2) “Từ điển và bách khoa toàn thư” (tiếng Nga), https://dic.academic.ru
(3) Xu Jilin: “Trí thức có chết không?” (tiếng Trung), Tlđd
(4) C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 45
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t. 8, tr. 372
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 275
(7) Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, in trong: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t. 67, tr. 792 - 793
(8) Xem: Nguyễn Viết Thông - Lê Thị Sự: Trí thức và vai trò của trí thức trong quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 14 - 15
(9) Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, in trong: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 67, tr. 793
(10) Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, in trong: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 67, tr. 793
(11) Nguyễn Thắng Lợi: Trí thức và công tác trí thức của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 23
(12) Trần Huy Liệu: “Trí thức Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc”, in trong sách: Trung tâm UNESCO phổ biến kiến thức văn hóa giáo dục cộng đồng - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Trí thức Việt Nam xưa và nay, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 30
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 184
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 53
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 59
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 200
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 72
(18) “Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức”, Báo Nhân Dân, ngày 29-8-1957
(19) Xem: Nguyễn Thắng Lợi: Trí thức và công tác trí thức của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr. 31 - 43
Tin liên quan