Qua báo cáo của các doanh nghiệp và hiệp hội, mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Những con tàu chở khách tham quan vịnh Hạ Long giờ chỉ còn là đống sắt vụn. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ông Đậu Anh Tuấn, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Trưởng Ban pháp chế, cho biết bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhiều tỉnh miền Bắc.
Qua báo cáo của các doanh nghiệp và hiệp hội, mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa…
Phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hóa không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp rất khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, người lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp rất mong có những trợ lực về chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịp này.
Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Kiến trúc và Nội thất Aview Decor, chia sẻ doanh nghiệp có một số công trình đang thi công và vài dự án nội thất triển khai dở dang, gặp bão bị bay mái, sập trần và nước tràn vào làm hỏng đồ gỗ cùng nhiều trang thiết bị, kéo theo việc gián đoạn trong sản xuất.
Doanh nghiệp vẫn đang tích cực khắc phục hậu quả của bão để nhanh chóng bàn giao sản phẩm tới khách hàng. Bão số 3 đã gây việc chậm tiến độ các đơn hàng dẫn đến vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp cũng như sự tín nhiệm từ phía các đối tác.
Về cơ bản, doanh nghiệp vẫn chủ động tự khắc phục, nhưng vẫn rất mong đợi được hỗ trợ các chính sách về thuế, lãi suất, giãn hoãn nợ để giảm bớt gánh nặng trong giai đoạn nước rút khi chỉ còn một quý nữa là hết năm. Tương tự, ông Nguyễn Văn Nam, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Kinh doanh Tân Thành Đạt, cho hay doanh nghiệp đang vận hành một nhà máy sản xuất gạch ốp lát.
Sau bão số 3, để an toàn sản xuất và tính mạng cho cán bộ công nhân viên, nhà máy đã phải dừng hoàn toàn dây chuyền sản xuất và cho cán bộ công nhân viên nghỉ. Do đặc thù dây chuyền sản xuất nên nhà máy gạch ốp lát luôn phải hoạt động 24/24h và chỉ bất đắc dĩ phải dừng khi có sự cố hoặc nghỉ Tết Nguyên đán. Việc khởi động lại dây chuyền sản xuất sẽ tiêu tốn của doanh nghiệp cả tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cả 4 nhà máy sản xuất gạch ốp lát của doanh nghiệp đều nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng, thuộc địa phận các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Ninh bị tốc mái, nước mưa tràn vào xưởng, thiệt hại đến máy móc thiết bị, kho hàng và mất nhiều thời gian để khắc phục.
Thời gian tới, ông Nam cho hay doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất là than, đất, đá không khai thác được hoặc không mua được dẫn tới sự thiếu hụt trầm trọng.... Doanh nghiệp đang vận động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực để chi viện cho các nhà máy gặp sự cố; khẩn trương khắc phục khu vực nhà xưởng bị tốc mái, bảo trì lại các trang thiết bị gặp hỏng hóc để nhanh chóng đưa dây chuyền sản xuất trở lại hoạt động.
Doanh nghiệp kỳ vọng, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay, các ngành chức năng nghiên cứu và tiếp tục giảm tiền thuê đất, hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn tái đầu tư, xây dựng cơ bản. Cùng với đó, giảm thuế VAT trong 6 tháng tới để bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Là chủ của Hệ thống Nhà thuốc Việt Bảo, ông Vũ Bá Quyền bày tỏ các doanh nghiệp phân phối và thương mại trong hệ thống kho chứa hàng đều bị ảnh hưởng như tốc mái và nước ngập, hàng hóa bị hư hỏng, gián đoạn khâu cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Doanh nghiệp đang tìm kiếm thêm các nguồn hàng để thay thế những sản phẩm thiếu hụt; tổ chức thêm các điểm bán lưu động để đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, chia nhỏ đội ngũ nhân sự, người lao động, vận động họ tham gia vào các hoạt động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, lũ lụt.
Tàu cá của ngư dân về cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Theo ông Đậu Anh Tuấn, trên cơ sở tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ đặc biệt tới các ngành, lĩnh vực và địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất như tàu cá khai thác thủy hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển, sông, suối, ao hồ thông qua việc miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản đến hết năm 2025.
Cùng đó, đề xuất miễn các loại phí và lệ phí có liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thủy nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong khoảng 6 tháng đến 1 năm; hay hỗ trợ từ 50-70% chi phí mua bảo hiểm cho các loại tàu cá, tàu du lịch đến hết năm 2025. Thêm vào đó, có thể cân nhắc miễn hoặc giảm 50% số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với những đối tượng nói trên trong khoảng 4-6 tháng...
Trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn tài chính để tái thiết mà vẫn phải chi trả lãi vay cho các khoản nợ sẽ là gánh nặng đối với hầu hết doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Do đó, VCCI cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục gia hạn chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cũng như các nghĩa vụ trả nợ từ nay đến tháng 6/2025 đối với các khoản vay của khách hàng sản xuất, kinh doanh tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/