Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 thống nhất trên cả nước vào sáng 5/9. Lễ khai giảng được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường.
Lễ khai giảng năm học mới gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn), đọc thư của Chủ tịch nước... Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.
|
Học sinh Hà Nội trong Lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: TL.
|
Trước đó, mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng nói riêng, chuẩn bị cho năm học mới nói chung được hoàn tất. Các trường đã tiến hành chỉnh trang trường lớp, bổ sung trang thiết bị đồ dùng dạy học. Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, các thầy cô đã tích cực tham gia các chương trình tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới…
Nhiều địa phương đã lên kế hoạch tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo hướng gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo không khí của "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Năm học 2024 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Năm học này đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội đảng các cấp.
Đây cũng là năm học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12; cũng là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình GDPT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học mới 2024 - 2025, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung vào 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ ưu tiên triển khai ngay nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua; chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Ngành Giáo dục cũng sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây như Công điện ngày 23/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo; sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045…
Trước thềm năm học mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Trong đó, Thủ tướng đưa ra các yêu cầu đối với Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 với phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng"./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/