Đề xuất 3 giai đoạn chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza
Đại diện các nước bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết ủng hộ đề xuất ngừng bắn tại Gaza trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 10/6/2024. (Ảnh: Xinhua)
Theo nghị quyết, trong giai đoạn một, các bên sẽ thực hiện một "lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đầy đủ và toàn diện, kèm theo việc trao trả tự do cho các con tin bao gồm phụ nữ, người già và người bị thương, trao trả hài cốt của một số con tin đã thiệt mạng và trao đổi tù nhân Palestine”.
Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi lực lượng Israel rút khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza, cho phép người Palestine trở về nhà (gồm cả khu vực phía Bắc Gaza), đồng thời mở đường cho các hoạt động phân phối viện trợ nhân đạo an toàn và hiệu quả trên quy mô lớn.
Giai đoạn hai sẽ chứng kiến việc chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch "để đổi lấy việc trao trả tự do cho tất cả các con tin khác còn lại ở Gaza và rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi dải đất này".
Trong giai đoạn ba, "một kế hoạch tái thiết lớn kéo dài nhiều năm cho Gaza" sẽ bắt đầu được triển khai. Bên cạnh đó, hài cốt của các con tin bị thiệt mạng ở Gaza sẽ được trao trả cho phía Israel.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đề cập tới một điều khoản nhấn mạnh, trong trường hợp các cuộc đàm phán trong giai đoạn một kéo dài hơn 6 tuần thì lệnh ngừng bắn sẽ vẫn sẽ được duy trì, miễn là tiến trình đàm phán còn tiếp diễn.
Nghị quyết khẳng định phía Israel đã "chấp nhận" thỏa thuận và kêu gọi phong trào Hồi giáo Hamas hành động tương tự.
Nghị quyết nhấn mạnh lập trường của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm bác bỏ mọi nỗ lực thay đổi nhân khẩu học hoặc về lãnh thổ ở Dải Gaza, bao gồm mọi hành động nhằm thu hẹp lãnh thổ của vùng đất này.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nhắc lại "cam kết vững chắc" của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước, cho phép Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình trong phạm vi biên giới an toàn và được công nhận, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
Phản ứng khác nhau từ các bên liên quan
Xung đột vẫn đang từng ngày tàn phá Dải Gaza. (Ảnh: UNRWA) 
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc bỏ phiếu, đại diện thường trực của Algeria tại Liên hợp quốc - ông Amar Bendjama cho biết Algeria đã bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo nghị quyết bởi nó thể hiện một bước tiến tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Gaza. “Văn bản này không hoàn hảo, nhưng nó mang lại một tia hy vọng cho người Palestine vì giải pháp thay thế là kéo dài thương vong và đau khổ… Chúng tôi đã bỏ phiếu cho văn bản này để mang lại cho ngoại giao một cơ hội” – nhà ngoại giao Algeria lý giải.
Về phía Đại diện của Israel tại Liên hợp quốc – bà Reut Shapir Ben Naftaly khẳng định, Israel đã đưa ra các mục tiêu rất rõ ràng sau sự kiện ngày 7/10/2023, đó là “đưa tất cả các con tin Israel trở về nhà và triệt tiêu khả năng của Hamas… đồng thời đảm bảo rằng Gaza không gây ra một mối đe dọa nào đối với Israel trong tương lai”.
“Như chúng tôi đã lặp lại nhiều lần trong chính căn phòng này, một khi những mục tiêu này đạt được, chiến tranh sẽ kết thúc” – bà Naftaly nói, đồng thời lưu ý rằng 120 con tin Israel vẫn đang bị giam giữ ở Gaza trong khi Hamas tiếp tục nã tên lửa vào các thị trấn và thành phố của Israel.
Bà Naftaly kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên Hamas. Nhà ngoại giao Israel cho rằng, mặc dù Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 3 nghị quyết kêu gọi thả con tin nhưng kết quả là không có con tin nào được giải thoát.
Theo quan điểm của bà Naftaly, Israel sẽ tiếp tục hành động cho tới khi tất cả các con tin được trao trả tự do và khả năng quân sự cùng khả năng quản lý của phong trào Hamas bị loại bỏ. “Israel sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán vô nghĩa và vô tận mà Hamas có thể tận dụng như một cách thức để trì hoãn thời gian” – đại diện ngoại giao Israel nói.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau cuộc bỏ phiếu, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho rằng những điều chính xác mà Israel đã ký kết trong nghị quyết vẫn còn chưa được làm sáng tỏ. Điều này khiến Moscow vẫn còn nhiều băn khoăn để đưa ra sự hỗ trợ đối với bản dự thảo nghị quyết.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield tin tưởng rằng chiến sự ở Gaza có thể được chấm dứt ngay ngày hôm nay nếu Hamas nhất trí những nội dung đề xuất đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng, việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết thứ 4 về Gaza đã cho thấy rõ ràng rằng, giải pháp duy nhất để chấm dứt chu kỳ ở vùng lãnh thổ này là thông qua con đường chính trị./.
Nguồn: dangcongsan.vn