* Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 489/QĐ-TTg, ngày 10/6/2024, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 278 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030: Nông nghiệp, thủy sản 3,6%; công nghiệp, xây dựng 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 12 - 13 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt tăng 8,5 - 9,0%/năm giai đoạn 2021-2030.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
|
Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên xác định 3 ngành quan trọng: Công nghiệp; Dịch vụ; Nông nghiệp; tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “mạng lưới”, đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm: 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục, 3 trung tâm.
Trong đó, 2 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị - khoa học công nghệ - dịch vụ - du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị - công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế - đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Hai hành lang kinh tế là hành lang công nghiệp - đô thị cấp vùng gắn với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng.
Tại Hội nghị, tỉnh Hưng Yên giới thiệu tới các đại biểu, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước về vị trí địa lý; truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng; tiềm năng, lợi thế, định hướng và kỳ vọng phát triển của tỉnh; các chính sách ưu đãi đầu tư vào tỉnh; đồng thời mời gọi đầu tư vào Hưng Yên trong các lĩnh vực: công nghệ cao; giáo dục, đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe; năng lượng tái tạo; logistics…
Cũng tại Hội nghị, tỉnh Hưng Yên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 24 dự án có tổng số vốn 760 triệu USD và 10.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, điện tử, logistics, nội thất, linh kiện cơ khí… cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về những góp ý trước đây đối với tỉnh Hưng Yên về phát triển hạ tầng, kết nối giao thông để Hưng Yên gần hơn với Hà Nội, Hải Phòng, các trung tâm kinh lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; vui mừng vì những góp ý này đang được Hưng Yên triển khai quyết liệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, thể hiện tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện”; củng cố niềm tin của Đảng, Nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp đối với Hưng Yên.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
|
Về công tác quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, dẫn dắt, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả không gian; tạo cơ hội lớn, lâu dài; là động lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững đất nước và các địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác quy hoạch đã được tập trung đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, lĩnh vực và quy hoạch tỉnh, thành phố.
Nêu các yêu cầu, quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm của công tác quy hoạch, Thủ tướng cho biết, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống, văn hóa, lịch sử, vừa mang tính kế thừa và phát triển.
Quy hoạch đã cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện khát vọng và qua đó góp phần quan trọng hiện thực hoá mục tiêu phát triển Hưng Yên giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa, lập nên kỳ tích sông Hồng thời kỳ mới.
Chỉ rõ các tiềm năng, lợi thế, thế mạnh phát triển, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, cũng như những hạn chế, khó khăn, thách thức của của tỉnh, Thủ tướng khẳng định, Hưng Yên còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá.
Để đạt được mục tiêu của Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên thực hiện tốt phương châm “1 tập trung - 2 tăng cường - 3 đẩy mạnh”.
Trong đó, Hưng Yên phải tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới. Tỉnh cần tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, chuỗi sản xuất và cung ứng...
Thủ tướng yêu cầu Hưng Yên đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng, nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
* Chính phủ, các bộ, ngành đồng hành cùng Hưng Yên
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Hưng Yên thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tỉnh phải bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh khoa học, phù hợp với nguồn lực, tình hình, yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của Nhân dân.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
|
Hưng Yên tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu, lập dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh; làm tốt công tác thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Hưng Yên phải huy động tối đa và sử dụng các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, ưu tiên hạ tầng giao thông tạo kết nối trong nước, quốc tế. Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, tạo không gian phát triển mới, động lực, năng lực mới.
Theo Thủ tướng, tỉnh cần thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, tạo vườn ươm, phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn; phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ; có chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh; mở rộng, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết chuỗi; chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao; phát huy vai trò động lực của các đô thị, thúc đẩy sự phát triển văn minh, hiện đại và bền vững; phát triển toàn diện văn hóa, xã hội; làm nổi bật bản sắc văn hóa, truyền thống vùng đất văn hiến, thế mạnh về sinh thái, tâm linh, lễ hội; phấn đấu lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển con người có thứ hạng cao; nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Thủ tướng chỉ rõ, Hưng Yên phải chú trọng xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp và hệ thống chính trị; đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tỉnh cần tăng cường truyền thông chính sách; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy hoạch tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ Quy hoạch, làm theo Quy hoạch, giám sát việc thực hiện Quy hoạch và thụ hưởng thành quả với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ Hưng Yên; tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của Hưng Yên, người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan; có các giải pháp hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư; hướng dẫn tỉnh Hưng Yên trong thực hiện Quy hoạch, nhất là cơ chế chính sách, giải pháp huy động và bố trí nguồn lực thực hiện, trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Hoan nghênh các doanh nghiệp đã chọn Hưng Yên để đầu tư, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng các dự án sẽ thành công, mang lại hiệu quả; yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh và đầu tư đúng quy định của pháp luật; thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên và phù hợp với quy hoạch tỉnh Hưng Yên; luôn đồng hành, ủng hộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh bằng năng lực kinh nghiệm, tri thức, tài chính, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản trị để chuyển hóa lợi thế, tiềm năng của Hưng Yên thành sản phẩm, công trình, dịch vụ cụ thể, đóng góp vào sự phát triển chung trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hưng Yên tiếp tục bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư; phát huy sứ mệnh của tỉnh trên tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “chia sẻ tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”.
Cho biết, Chính phủ luôn lắng nghe, đồng hành cùng các địa phương, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển”; giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng, với truyền thống cách mạng anh hùng, với đà phát triển mạnh trong những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/