Vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 23,6 nghìn héc-ta lúa; trong đó, gieo cấy 100% trà xuân muộn, gieo cấy lúa chất lượng cao từ 70% diện tích trở lên; phấn đấu năng suất đạt 67-69 tạ/héc-ta. Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với diện tích khoảng 1 nghìn héc-ta. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành gieo cấy trong tháng 2 nhưng không quá ngày 5/3/2025.
Nông dân xã Nhật Tân (Tiên Lữ) lựa chọn giống lúa cho sản xuất vụ xuân 2025
Tranh thủ thời tiết hanh khô, những ngày qua, các địa phương tập trung huy động nhân lực, phương tiện tiến hành cày ải, cày lật đất. Đến ngày 12/12, các địa phương cày ải được hơn 12,2 nghìn héc-ta, đạt 64% diện tích cần phải cày ải. Toàn tỉnh phấn đấu cày ải tối đa diện tích có thể, kết thúc cày ải trước ngày 31/12/2024, những diện tích ruộng trũng không cày lật đất cần giữ nước để làm dầm.
Để phục vụ nông dân có đủ giống lúa, phân bón, làm đất kịp thời cho sản xuất vụ xuân năm 2025, từ cuối tháng 11/2024, các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp đã chủ động nhập thóc giống, phân bón để cung ứng cho nông dân. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn nước cho sản xuất. Tại Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh, hoạt động cung ứng giống diễn ra sôi động. Vụ xuân năm 2025, Trung tâm cung ứng hơn 100 tấn thóc giống các loại, trong đó chủ yếu là giống lúa nếp thơm Hưng Yên. Cùng với đó, tại các cửa hàng, đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp cũng có nhiều khách hàng đến mua thóc giống, phân bón. Ông Hoàng Văn Hưng, chủ đại lý vật tư nông nghiệp tại thị trấn Lương Bằng (Kim Động) cho biết: Đại lý đã ký hợp đồng với một số công ty, đơn vị sản xuất giống để nhập về hơn 10 tấn thóc giống các loại. Thời điểm này, giá thóc giống và phân bón ổn định, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất cam kết bảo đảm chất lượng cho nông dân sản xuất.
Theo dự báo, rét đậm, rét hại sẽ tập trung trong tháng 1 và tháng 2/2025, do vậy, nông dân cần mở rộng tối đa diện tích gieo cấy bằng mạ non trên nền đất cứng, áp dụng biện pháp che phủ tránh rét; mở rộng diện tích gieo cấy bằng hình thức mạ khay, máy cấy để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Chỉ gieo thẳng khi điều kiện thời tiết ấm, không gieo thẳng ở những khu vực năm trước nhiễm lúa cỏ. Gieo mạ dày xúc để cấy chân vàn thấp, chân ruộng trũng không chủ động điều tiết nước, cấy khi mạ được 3 - 3,5 lá thật.
Để bảo đảm cơ cấu giống lúa, mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 3 - 4 giống chủ lực từ các giống như: Nếp thơm Hưng Yên, TBR225, Hương Bình, N91, Hana số 7, ĐH12, Đài Thơm 8, Hà Phát 3, VNR20, Tiền Hải 1, TBR87, TBR97... để chỉ đạo gieo cấy. Mở rộng diện tích gieo cấy một số giống lúa được đánh giá có năng suất, chất lượng như: TĐ25, ĐH15… và một số giống lúa sản xuất theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm; tổ chức gieo cấy gọn vùng, gọn thửa và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác của từng giống lúa. Khi gieo mạ nền cứng phải bảo đảm đủ diện tích nền từ 3m2 trở lên để cấy cho 1 sào Bắc Bộ. Chăm sóc, che phủ bằng các vật liệu thân thiện với môi trường cho toàn bộ diện tích mạ để tránh rét và ngăn chặn sự xâm nhập của dịch hại. Chỉ áp dụng biện pháp gieo thẳng trên những chân ruộng chủ động tưới, tiêu nước khi thời tiết ấm. Khi có rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới 150C) không gieo thẳng, phải hãm mạ hoặc chuyển sang gieo mạ nền cứng để bảo đảm lúa không bị chết rét do gieo thẳng.
Trong khâu gieo cấy, các địa phương cần chỉ đạo mở rộng diện tích gieo cấy bằng việc áp dụng phương thức gieo mạ khay và cấy máy tại các chân ruộng chủ động tưới, tiêu để giảm công lao động, chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế. Không gieo cấy và bón phân, nhất là phân đạm khi nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 150C. Chủ động dự phòng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 125 ngày ở vụ xuân) để gieo cấy bù diện tích lúa và mạ bị chết do rét đậm, rét hại. Bón lót đủ, bón thúc đúng theo quy trình thâm canh của từng giống; bảo đảm đủ lượng phân Kali bón cho lúa, nhất là thời điểm bón đón đòng và đối với các giống lúa có tiềm năng năng suất cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, phân bón NPK tổng hợp và phân bón vi lượng.
Cùng với các giải pháp trên, để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, thời gian này, các địa phương cần chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch nạo vét thủy lợi đông xuân 2024 - 2025. Chủ động lấy đủ nước đổ ải, phục vụ làm đất, gieo cấy lúa theo kế hoạch đổ ải của tỉnh. Tranh thủ trữ nước trong các ao, hồ, sông trục để dành cho tưới dưỡng. Đối với những vùng khó khăn về nước phải chủ động lắp đặt trạm bơm dã chiến và có các biện pháp khắc phục khô hạn. Các địa phương có hệ thống kênh mương bị ô nhiễm bởi công nghiệp, đô thị, chăn nuôi, căn cứ kế hoạch, bố trí thời điểm lấy nước nhằm bảo đảm chất lượng nước phục vụ gieo cấy. Chỉ đạo làm đất sớm, bừa lồng ngâm ruộng ngay sau khi đưa nước vào ruộng để vùi tàn dư thực vật là ký chủ của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen để triệt tiêu nguồn bệnh trên đồng ruộng. Phát động chiến dịch diệt chuột, tập trung trong giai đoạn lấy nước vụ xuân và thực hiện theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật. Tăng cường tập huấn quy trình gieo mạ nền cứng, gieo thẳng, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; chuyển giao những biện pháp canh tác mới trong thâm canh lúa như SRI, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM. Áp dụng tổng hợp các biện pháp từ khâu xử lý hạt giống, chăm sóc lúa để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn/