Trên chặng đường lịch sử nghìn năm văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đánh dấu một mốc son chói lọi. Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp chúng ta nhìn lại truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc để càng thêm tự hào về Tổ quốc Việt Nam, vững tin vào con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Lịch sử hào hùng của đất nước Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội là động lực to lớn thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng đáng là trái tim của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị thời đại.
Tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng và các bậc tiên liệt, mùa thu năm 1010, đức vua Thái Tổ Lý Công Uẩn đã dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Tầm nhìn xa trông rộng và khát khao “mưu nghiệp lớn”, “làm kế cho con cháu muôn vạn đời” của vị vua anh minh đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của đất nước. Hơn 10 thế kỷ trải bao thăng trầm thời đại, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn ngời sáng phẩm chất anh hùng, kiên cường đứng vững, khiến bao kẻ thù xâm lược phải chịu thất bại. Những địa danh Hàm Tử, Chương Dương, Đông Quan, Ngọc Hồi, Đống Đa... đã trở thành bất tử. Thăng Long - Hà Nội thực sự là nơi “địa linh nhân kiệt”, hội tụ khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi.
Bước vào thế kỷ XX, đất nước ta từ trong đêm trường nô lệ, nhân dân chịu ách “một cổ hai tròng” thực dân, phong kiến đã từng bước “rũ bùn đứng dậy” chiến đấu và chiến thắng. Hà Nội trở thành cái nôi của cách mạng, là nơi ra đời tổ chức đầu tiên của Hội Thanh niên cách mạng và Chi bộ đầu tiên của Đảng. Chỉ hơn 40 ngày sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 17/3/1930, Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập tại số 42 Hàng Thiếc. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ khi đó chỉ gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du (Bí thư Thành ủy lâm thời), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Những năm sau đó, dù liên tục bị khủng bố, tan rã rồi lập lại, Đảng bộ đã không ngừng phát triển lớn mạnh. Hà Nội tiếp tục là nơi khởi đầu cho nhiều cao trào cách mạng mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, nhân dân Hà Nội và đồng bào cả nước không có mong muốn gì hơn là được sống trong hòa bình, độc lập, tự do; tập trung xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã gây hấn tại Nam Bộ, rồi phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc thần thánh, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch để các cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta an toàn rút ra khỏi Hà Nội. Trải qua chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Geneve (ngày 21/7/1954) về đình chiến ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài - Ảnh: PV
|
Đúng 16h ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút sang phía Bắc cầu Long Biên; quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội, tiếp quản thành phố an toàn và trật tự. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn bốn mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ hoa, hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Niềm vui sướng vỡ òa. Thủ đô từ nay hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo các cấp, các ngành cùng nhân dân đoàn kết, nỗ lực chung tay khắc phục những hậu quả của chế độ thực dân và chiến tranh để lại; tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hà Nội vừa là hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam, vừa kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lập nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mùa đông năm 1972 góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề cho Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất non sông.
Bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, Hà Nội mạnh mẽ vượt qua những khó khăn của thời bao cấp, vươn mình trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Năm 2008, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) hợp nhất vào Hà Nội càng làm cho Thủ đô thêm lớn mạnh với một tầm vóc mới cùng cơ hội phát triển mới.
Nhìn lại 70 năm qua, Hà Nội đã có một bước dài trên con đường phát triển. Từ một Đảng bộ với số lượng vài nghìn đảng viên ở những năm đầu sau ngày tiếp quản Thủ đô mùa thu tháng Mười năm 1954, đến nay, Đảng bộ Hà Nội đã có 50 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, 3.172 tổ chức cơ sở Đảng, 17.980 chi bộ với tổng số hơn 481.000 đảng viên, là đảng bộ lớn nhất cả nước.
Năm 1954, Hà Nội chỉ có 513 cơ sở và xí nghiệp công nghiệp. 70 năm sau, Hà Nội có hơn 386.000 doanh nghiệp. Thành phố đã duy trì mạch tăng trưởng liên tục hàng thập kỷ, cụ thể trong gần 40 năm đổi mới, năng suất lao động của Hà Nội tăng bình quân trên 7%/năm. Tăng trưởng kinh tế Thủ đô cao hơn tăng trưởng chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước qua các năm đều lập nên những cột mốc mới cao hơn, năm 2023 đã đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu cả nước về thu nội địa; 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 61,7%. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao với mức thu nhập bình quân trên 151 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,03%, nhiều quận, huyện không còn hộ nghèo.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, đối mặt với dịch bệnh, thiên tai và những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ…, tinh thần, ý chí từ mạch nguồn truyền thống anh hùng tiếp tục là điểm tựa cho Thủ đô vượt lên. Hà Nội quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược lâu dài để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực, nguồn lực phát triển Thủ đô, như: Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Thành phố đã chủ động, sáng tạo ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Đặc biệt, Hà Nội là đầu tàu, gương mẫu trong phòng, chống dịch bệnh, thiên tai. Trong đại dịch COVID-19, thành phố đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sinh kế cho người dân. Vừa qua, trước cơn bão số 3 và hoàn lưu gây lũ cao kỷ lục, thành phố đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung sức, đồng lòng ứng phó, nhờ đó đã giảm thiểu thiệt hại; kịp thời di dời trên 27.000 người đến nơi tránh trú an toàn, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” kịp thời chăm lo cho nhân dân, không để ai bị đói, bị rét.
Thành phố còn kịp thời chi viện cho các tỉnh, thành phố bạn; chỉ sau 10 ngày kêu gọi, Quỹ Cứu trợ thành phố đã tiếp nhận 177 tỷ đồng; thành phố đã chi hỗ trợ 2 đợt cho các tỉnh với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Thành phố cũng vừa quyết định dừng bắn pháo hoa và điều chỉnh giảm số lượng, quy mô một số hoạt động, sự kiện trong dịp 10/10. Điều đó thể hiện trách nhiệm, sự đồng cảm, sẻ chia của Thủ đô với đồng bào cả nước.
|
Diện mạo Thủ đô là minh chứng rõ ràng nhất về sức vươn của Thủ đô trong 70 năm qua - Ảnh: Quang Thái
|
Diện mạo Thủ đô là minh chứng rõ ràng nhất về sức vươn của Thủ đô trong 70 năm qua. Đó là ấn tượng về bức tranh đô thị khang trang và giàu sức sống với những khu đô thị hiện đại, những tòa nhà cao tầng, những tuyến đường trục hướng tâm, đường vành đai, đường sắt đô thị, hệ thống cầu vượt sông, cầu vượt đường bộ... Sự nghiệp văn hóa, giáo dục luôn được thành phố quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững. Thành phố còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát triển sự nghiệp văn hóa, góp phần khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô. Hà Nội luôn chú trọng làm tốt công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các sự kiện diễn ra trên địa bàn. Sau những danh hiệu cao quý như Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, những năm qua, Hà Nội nhiều lần được bạn bè quốc tế yêu mến bình chọn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Xuyên suốt hành trình 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Thăng Long - Hà Nội nay đã có thêm nhiều giá trị mới như nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ”.
Sinh thời, Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên Hà Nội phải gương mẫu ở vị trí đầu tàu để làm sao “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thủ đô Hà Nội hội nhập mạnh mẽ trong bối cảnh đầy biến động và những xu thế phát triển mới của khu vực và thế giới, cơ hội mới mở ra, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu cho Hà Nội “không thể như địa phương khác, mà phải cao hơn, mạnh hơn”.
Quá trình phấn đấu, trưởng thành, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ trên cương vị cao nhất của Đảng ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Trong những chỉ đạo định hướng quan trọng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành thành phố tiêu biểu của cả nước về mọi mặt.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội xác định tầm nhìn không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ, mà phải nhìn xa hơn nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp, tận dụng tối đa thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, với quyết tâm chính trị cao để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Hà Nội nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của thành phố trong sự nghiệp đổi mới.
|
Hà Nội đang không ngừng phát triển hiện đại, văn minh. Ảnh: Phạm Hùng
|
Để tạo động lực cho những chuyển động mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, cùng tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên… để tiếp tục đổi mới tư duy, hành động, thúc đẩy Hà Nội phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Thời gian tới, hệ thống chính trị của thành phố cần nỗ lực triển khai và thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, các cấp, các ngành và từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức từ thành phố xuống cơ sở tiếp tục bám sát nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhất là 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp cùng 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội; trên cơ sở đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cùng các nguồn lực, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhất là các chỉ tiêu khó; đóng góp xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tập trung đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thủ đô trong sạch, vững mạnh, thực sự gương mẫu, đi đầu; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quán triệt và thực hiện tốt phương châm “dân là gốc”, thực sự lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của mọi chiến lược phát triển, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm vào cuộc sống, tháo gỡ hiệu quả các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về cơ chế, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tạo đà cho sự phát triển mới cho thành phố; hoàn thiện và tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện để có thể thực hiện ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng tâm, trọng điểm, trước hết là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đẩy nhanh thủ tục đầu tư, sớm khởi công xây dựng các cầu vượt sông Hồng, đưa sông Hồng trở thành trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông... Chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để triển khai các dự án trong quy hoạch như đường Vành đai 5 (trước năm 2030), thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai)...
Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa của cả nước, thành phố cần tập trung phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và tỏa sáng văn hóa của cả nước. Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phong phú của Thủ đô, nhất là tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; Khu di tích Cổ Loa... gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế đêm, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ tại Trung tâm điều dưỡng số 2 Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|
Ba là, nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng bộ là tập trung chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố thành công tốt đẹp. Quá trình chuẩn bị phải bám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tập trung xây dựng văn kiện đại hội, nhất là Báo cáo chính trị thật chất lượng, bảo đảm kế thừa và phát huy thành quả cách mạng, thể hiện tư duy tầm nhìn đổi mới, thể hiện quyết tâm với ý chí cao nhất, thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu của Thủ đô trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Công tác chuẩn bị nhân sự phải được đặc biệt coi trọng giúp Đại hội lựa chọn, bầu cử vào cấp ủy các cấp những cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực và tâm huyết, trách nhiệm cao với công việc chung của Đảng, của nhân dân.
Bốn là, tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 3, lũ lụt gây ra; khẩn trương triển khai có hiệu quả giải pháp kinh tế nhằm hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất, kinh doanh; sớm tiếp tục triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội bảo đảm cho nhân dân có đủ cái ăn, cái mặc, có chỗ ở, không bị đói, không bị rét, không ai bị bỏ lại phía sau.
Năm là, trước mắt, tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô một cách thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy tinh thần Thăng Long, niềm tự hào và khát vọng vươn lên trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Hà Nội; tạo động lực, truyền cảm hứng để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô quyết tâm phấn đấu với ý chí cao nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
70 năm, một chặng đường không dài trong dòng chảy lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội nhưng đã để lại những trang sử vàng rực rỡ. Lịch sử hào hùng của Thủ đô mang đến niềm tự hào và tình yêu Hà Nội nhưng cũng nhắc nhở mỗi người hãy xứng đáng với Thủ đô. Trách nhiệm hơn, sáng tạo hơn từ mỗi vị trí công việc hằng ngày, chúng ta cùng chung tay xây dựng một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới, thực sự là trái tim của cả nước, là điểm đến an toàn, thân thiện của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Tinh thần Thăng Long là điểm tựa cho khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam./.
Bùi Thị Minh Hoài
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy,
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Nguồn: https://dangcongsan.vn/