Ngày 18/6/1990, bác sĩ Trần Xuân Lộc, người con của quê hương xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) công tác tại Bệnh viện Ấp Dâu nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh lặng lẽ ra đi sau khi vết thương cũ tái phát. Bác sĩ Trần Xuân Lộc được công nhận là liệt sĩ và được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Đồng nghiệp, bệnh nhân, người dân quê ông vẫn nhắc nhớ về ông, một bác sĩ tài giỏi, đức độ, hết lòng vì bệnh nhân với sự trân quý.
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đầu những năm 60 thế kỷ trước, thanh niên Trần Xuân Lộc lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông tham gia các chiến dịch lớn trong suốt những năm tháng đến khi đất nước hoà bình … Hơn 10 năm ở chiến trường, ông đã cùng đồng đội in dấu chân ở bao trận địa ác liệt để làm nhiệm vụ cứu thương. Trong ký ức của Trần Đức Anh người con gái của bác sĩ, liệt sĩ Trần Xuân Lộc, những câu chuyện khi mẹ còn khỏe kể lại là những ký ức đẹp về bố, về sự đồng hành của người vợ nơi hậu phương trở thành hành trang để những người con của ông tự hào bước đi trên đường đời. Trong suốt những năm tháng tham gia chiến đấu, bác sĩ Lộc đã nhiều lần đối diện với cái chết do bị thương nặng. Vợ ông, ngoài tình yêu đôi lứa cao đẹp, còn là tình yêu bà dành cho Tổ quốc. Để chồng vững tin chiến đấu nơi chiến trường, bà đã hy sinh con đường sự nghiệp - tu nghiệp tại Liên Xô để làm hậu phương vững chắc, dõi theo, đồng hành cùng chồng. Mỗi lần nhận tin chồng bị thương nặng, với niềm tin và tình yêu bất diệt dành cho chồng, bà đã vượt qua mưa bom, bão đạn tìm ông khắp chiến trường. Năm 1968, tại mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc, ông bị thương nặng, những mảnh đạn găm khắp cơ thể và nơi chí mạng là sọ não. Sau khi dưỡng thương, ông tiếp tục vào chiến trường miền Nam, rồi bị thương nặng không thể tiếp tục phục vụ nơi tuyến đầu, ông được cử đi học tiếp ở Học viện quân y 175, về công tác ở Bệnh viện 10 Hà Bắc. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bác sĩ Lộc trở về quê hương cống hiến tại Bệnh viện Ấp Dâu.
Ngày ấy, tiếng tăm bác sĩ Lộc vang xa bởi tài năng và sự đức độ của ông. Với trái tim người lính, ông dành nhiều tình thương yêu cho bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân nghèo. Hết giờ làm việc ở bệnh viện, bác sĩ Lộc trở về nhà ở xã Thiện Phiến để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đã ngồi chờ ông. Những bệnh nhân nghèo đói, không may mắc bệnh, bác sĩ Lộc đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Có nhiều trường hợp, bác sĩ Lộc dùng uy tín cá nhân đăng ký cho bệnh nhân nằm viện để có cơm ăn để điều trị. Khi về nhà, ông luôn đỡ đần cho vợ, từ nấu cơm, giặt quần áo, sửa chữa đồ đạc trong nhà. Chị Đức Anh kể lại, ngày đó, ngoài công việc là hiệu trưởng ở một trường cấp 1 thì mẹ chị còn là người tần tảo làm nghề hàng xay hàng xáo, đi chợ kiếm tiền phụ thêm nuôi các con và lo nhà cửa. Mẹ tiếp sức cùng cha bên những bệnh nhân nghèo bằng chính sức lao động, sự đảm đang của bà cho đến khi cha ra đi (hy sinh) năm 1990.
Vào mùa vải chín năm 1989, bác sĩ Lộc bị tái phát vết thương vì những mảnh đạn trong đầu, ông không thể ăn gì trong nhiều ngày. Chị Đức Anh nhớ lại, cha sợ nhất là nghe tiếng động, chỉ nghe tiếng động nhỏ xíu là ông đau đớn vô cùng. Mẹ vừa quạt cho cha vừa lặng lẽ lau nước mắt. Tôi có nhiệm vụ đứng ở mãi ngoài đường xa để ngăn mấy chú bán kem, nói chú thông cảm đi chỗ khác bán vì cha đau đầu không nghe được tiếng con chíp giao kem mút. Lâu lâu cha tỉnh sau cơn đau lại nắm tay mẹ. Việc ý nghĩa nhất tôi làm được trong lần cha tái phát vết thương đó là khi tôi vừa mới biết đi xe đạp, trên chiếc xe đạp thồ của mẹ, tôi đi gần chục cây số, trở về nhà với túi vải trên tay để ép nước cho cha.
Là một bác sĩ, chiến sĩ nơi chiến trường, khi trở về quê hương, ông mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh. Ông biết rõ những thương tích của mình. Không muốn người thân lo lắng, tất cả hồ sơ bệnh án, thương tích của bản thân, ông đều để trong tủ cá nhân tại phòng riêng bệnh viện nơi ông công tác. Đến khi ông nằm xuống thì người thân mới biết cụ thể về sự ra đi của người bác sĩ, chiến sĩ ưu tú ấy. Bác sĩ Lộc hy sinh bởi vết thương sọ não tái phát khi đang là Trưởng phòng Y vụ Bệnh viện Ấp Dâu.
Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, chị Trần Đức Anh, giờ đã là một quân nhân, có mặt tại Ngã ba Đồng Lộc để tìm lại ký ức, nơi chứng kiến tình yêu và niềm tin bất diệt của bố mẹ dành cho nhau, để tìm thấy nhau nơi trận địa, nơi chất chứa nhiều ký ức oai hùng và cả những đau thương. Chị viết trên trang cá nhân: Chiến tranh đã lùi xa, chiến trường năm xưa với ngổn ngang bom cày đạn xới… đã đi vào cõi thiêng huyền thoại. Nơi đây rừng phủ xanh, bao bọc, ấp ôm linh hồn 10 nữ anh hùng cùng những đồng đội đã anh dũng hy sinh tại chiến trường ngày ấy. Con ngồi mường tượng, cánh rừng này nơi nào đồng đội cha nằm lại, nơi nào mẹ tìm thấy cha? nơi nào mái nhà tranh bà mẹ quê Can Lộc nhường cơm, nhường mảnh chiếu cho mẹ nghỉ đêm nơi cửa rừng ngày ấy? Cha biết không! Suốt những năm tháng từng bước trưởng thành, con đã mong sẽ đưa mẹ đi thăm lại những chiến trường cha đã tham gia chiến đấu và đặc biệt là nơi mẹ tìm thấy cha trong chiến trường năm ấy và vì mẹ là vợ người chiến sĩ cách mạng “…chia nửa cho mình, nửa cho Tổ quốc thiêng liêng”…
Nguồn: https://baohungyen.vn