KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 02/07/2024 - Lượt xem: 91
Kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2024): Yếu tố quyết định để đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành học trò xuất sắc của Bác Hồ

Quê hương Hưng Yên vô cùng tự hào, vinh dự là nơi sinh ra, nuôi dưỡng một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của thời kỳ đổi mới, một tấm gương mẫu mực của người cộng sản về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và toả sáng phong cách của một người cán bộ, suốt cuộc đời trung thành và cống hiến cho Đảng, cho đất nước, cho Nhân dân. Đặc biệt, người lãnh đạo tài năng, đức độ đó thật xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Để trở thành người lãnh đạo tài năng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì yếu tố có tính quyết định là đồng chí Nguyễn Văn Linh có 4 lần được gặp Bác Hồ và làm việc, gần gũi với Người.

Hiện nay, có một số tài liệu viết về những lần đồng chí Nguyễn Văn Linh được gặp Bác Hồ. Có tài liệu nói đồng chí gặp Bác Hồ lần đầu vào năm 1953; có tài liệu nói lần đầu đồng chí được gặp Bác Hồ vào năm 1963, và tiếp theo là vào các năm 1968 và 1969. Trên Báo Quân đội Nhân dân ra ngày thứ bảy 27/6/2015 có đăng bài viết  "Những kỷ niệm sâu sắc của đồng chí Nguyễn Văn Linh với Bác Hồ" của PGS, TS Đàm Đức Vượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, có kể lại một số lần tác giả có làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong đó thuật lại câu nói của Tổng Bí thư: "Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ Côn Đảo trở về, tôi lao ngay vào hoạt động cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi hoạt động tại miền Nam. Mấy lần muốn lên Việt Bắc mong được gặp Bác Hồ, nhưng tiếc rằng, ý nguyện đó không thực hiện được". Và cũng theo bài báo này thì đến năm 1963, đồng chí Nguyễn Văn Linh mới lần đầu được gặp và làm việc với Bác. Trong bài báo "Đồng chí Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến sĩ cộng sản mẫu mực, đạo đức trong sáng" do Minh Thu (St) đăng vào ngày 3/7/2015 trên trang Tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có viết: "Cuối năm 1953, lần đầu tiên được gặp Bác, đồng chí Nguyễn Văn Linh rất khâm phục tinh thần lạc quan cách mạng, tài dân vận thu phục lòng người của Bác". Bài báo đề cập năm 1963, sau ba năm tiến hành phong trào Đồng Khởi ở miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh với cương vị Bí thư Trung ương Cục, được triệu tập ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Năm 1968, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng đồng chí Lê Đức Anh ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình cách mạng miền Nam. Mặc dù sức khoẻ Bác đã yếu, nhưng Bác vẫn gọi đồng chí Nguyễn Văn Linh vào gặp mặt và được Bác mời ăn cơm. Năm 1969, đồng chí Nguyễn Văn Linh ra Hà Nội công tác, đồng chí đã vào thăm Bác và là người có mặt bên cạnh Bác khi Bác sắp qua đời. Theo bài của GS Song Thành (Trần Thành), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong bài viết: "Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" thì: "Cuối năm 1953, sau những ngày gian khổ vượt Trường Sơn ra Việt Bắc nhận công tác, lần đầu tiên được nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí vô cùng phấn khởi". Sau đó, trong thư gửi cho vợ (bà Ngô Thị Huệ) ở miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh viết: "Có một điều rất đáng ghi nhớ của anh là ở hội nghị toàn quốc, lần đầu tiên trong đời anh được thấy Bác. Bác rất mạnh, rất vui, rất giản dị, rất linh hoạt. Mỗi lời nói của Bác đi sâu vào lòng người. Mỗi cử chỉ của Bác là một bài học thấm thía. Đảng ta, dân tộc ta có Bác thật là hạnh phúc lớn" (Tư liệu do bà Ngô Thị Huệ cung cấp cho tác giả). Trong tài liệu này, GS Song Thành cũng kể lại những lần sau đó đồng chí Nguyễn Văn Linh trên các cương vị khác nhau, được Bộ Chính trị triệu tập ra báo cáo tình hình miền Nam và được gặp Bác. Đó là vào các năm 1963, 1968 và 1969. Trong bài báo "Đồng chí Nguyễn Văn Linh - tấm gương học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh" của tác giả Ths Lê Thị Thu Hồng, đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 5 (tháng 9+10)/2005 cũng đã khẳng định "Lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Văn Linh được gặp Bác Hồ là vào năm 1953 khi đồng chí ra Việt Bắc chữa bệnh và ở lại công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương". Các lần sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh được gặp Bác Hồ cũng được khẳng định là vào các năm 1963, 1968 và 1969. Còn không ít tài liệu, bài báo khác cũng nói về các lần đồng chí Nguyễn Văn Linh được vinh dự gặp, làm việc với Bác và đặc biệt được Bác Hồ mời cơm.
Như vậy, qua nhiều chứng cứ, tài liệu có thể khẳng định chắc chắn rằng, lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Văn Linh được gặp Bác Hồ là vào cuối năm 1953. Kể từ lần gặp Bác Hồ lần đầu tiên đó, có thể là cái mốc quan trọng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động để trở thành học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ,  chính quyền và Nhân dân Hưng Yên có thể biết thêm và ghi nhớ mốc quan trọng này trong thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động của một lãnh đạo tài ba, nổi tiếng của quê hương. Hy vọng các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu sẽ làm rõ ngày, tháng các lần đồng chí Nguyễn Văn Linh được gặp Bác Hồ.
Mỗi lần được gặp, làm việc, ở bên cạnh Bác đã để lại trong đồng chí Nguyễn Văn Linh những tình cảm, dấu ấn không bao giờ quên về tấm lòng, tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam thương yêu. Các tài liệu đều kể lại những câu chuyện cảm động, tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam thân yêu. Chẳng hạn, năm 1963, sau ba năm tiến hành phong trào Đồng khởi ở miền Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959), đồng chí Nguyễn Văn Linh được triệu tập ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Vừa đặt chân tới Hà Nội, có người đến báo: "Mời đồng chí đến gặp Bác Hồ". Vừa bước vào nhà, đồng chí đã thấy trên bàn làm việc của Bác trải tấm bản đồ miền Nam. Sau ít phút, Bác đi từ trên gác xuống. Bác mặc một bộ đồ màu nâu và đi chân đất. Da dẻ Bác hồng hào, với gương mặt quắc thước. Đồng chí Nguyễn Văn Linh chưa kịp chào, Bác đã nói:
- Chú Cúc ở miền Nam đã ra đấy hả?
- Vâng, thưa Bác! Đồng chí đứng lên chào Bác. Bác nói:
- Mời chú ngồi.
Rồi Bác hỏi tiếp:
- Đồng bào miền Nam có mạnh khỏe không?
- Thưa Bác, đồng bào rất mạnh khỏe và đánh Mỹ cũng rất hăng.
Bác tỏ ý hài lòng. Ngừng một lát, Bác lại hỏi:
- Chú chỉ trên bản đồ cho Bác biết hiện nay Trung ương Cục đóng ở đâu?
Đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ cho Bác vị trí Trung ương Cục đóng lúc bấy giờ tại tỉnh Tây Ninh. Bác nói:
- Các chú chọn Tây Ninh làm trụ sở Trung ương Cục là đúng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể rằng, bà con ta ở Tây Ninh rất yêu nước, cùng đồng bào miền Nam chiến đấu rất hăng hái. Nhiều người được tuyên dương anh hùng. Tây Ninh là một tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong kháng chiến thường thiếu gạo ăn, nhiều người phải ăn mì, ăn ngô mà cũng không đủ. Đã có lúc Trung ương Cục phải điều hai trung đoàn xuống miền Tây lấy gạo. Nói đến chuyện gạo, Bác lại hỏi:
- Các chú ăn một tháng hết bao nhiêu cân gạo?
 - Thưa Bác, bộ đội phải chiến đấu, nên được ăn khoảng từ 25 đến 30 cân, còn những anh chị em ở cơ quan dân chính đảng được ăn khoảng từ 10 đến 15 cân ạ.
- Ưu tiên cho bộ đội như thế là tốt, nhưng làm sao có đủ gạo để ăn?
Đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo với Bác là Trung ương Cục đã phát động Nhân dân, cán bộ, bộ đội khai phá những vùng đất có thể trồng được lúa. Hơn nữa, do làm tốt công tác dân vận, địch vận, nên những bà con ở vùng giải phóng có thể ra vùng địch kiểm soát để mua gạo, thực phẩm về ăn. Đã có một số lần cán bộ ngầm vận động binh lính địch chở gạo đến bán cho bộ đội ta.
Cuối năm 1968, đồng chí Nguyễn Văn Linh lại có dịp ra Hà Nội báo cáo tình hình chiến sự miền Nam với Trung ương và Bác. Ở Hà Nội một thời gian, đồng chí được gặp Bác, lúc này sức khỏe của Bác đã yếu. Thời gian ở lại Hà Nội, thỉnh thoảng đồng chí Nguyễn Văn Linh lại được gặp Bác. Lúc này Bác ốm, phải nằm nghỉ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh vô cùng xúc động khi thấy bên giường của Bác luôn treo tấm bản đồ miền Nam để theo dõi tình hình chiến sự miền Nam. Trong những ngày ở Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Linh có vinh dự được Bác mời ăn cơm. Bữa hôm ấy, Bác ăn rất ngon. Ăn xong một bát, Bác bảo anh Vũ Kỳ xới thêm bát nữa. Anh Vũ Kỳ xới bát cơm sau hơi xốp xốp, áng chừng độ nửa bát thôi. Ăn xong, Bác bảo. “Thôi, chú đi nghỉ nhé, mai còn làm việc”. Nói xong, Bác lên lầu. Anh Vũ Kỳ đi theo. Một lúc sau, anh Vũ Kỳ quay lại, nói nhỏ với đồng chí Nguyễn Văn Linh:
- Bác lại bắt đầu đau đấy. Mọi khi Bác chỉ ăn được có nửa bát, nhưng hôm nay Bác dặn tôi là có chú Cúc ở miền Nam ra, chú phải xới cho Bác hai bát đấy nhé, nhớ xới xốp xốp thôi. Bác ăn để chú Cúc thấy Bác còn khỏe, khi về, chú ấy còn nói với đồng bào, chiến sĩ miền Nam là Bác còn khỏe để đồng bào, chiến sĩ yên tâm chiến đấu.
Nghe anh Vũ Kỳ nói vậy, đồng chí Nguyễn Văn Linh càng xúc động, từ những việc nhỏ như thế, Bác cũng vì đồng bào miền Nam. Còn nhiều câu chuyện cảm động về cuộc gặp gỡ của đồng chí Nguyễn Văn Linh với Bác Hồ và tình cảm đặc biệt của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tiếp cận và tiếp thu những tác phẩm cách mạng của Bác Hồ rất sớm, từ năm 1929-1930. Những lần đồng chí Nguyễn Văn Linh gặp gỡ Bác Hồ không nhiều. Thế nhưng, lần gặp nào cũng làm đồng chí vô cùng xúc động, để lại những ấn tượng sâu sắc, tiếp thêm cho đồng chí những tình cảm cách mạng và nghị lực lớn lao, phẩm chất cao quý của người cán bộ cách mạng. Đối với đồng chí, đó là những giây phút rất vinh dự và hạnh phúc nhất của đời mình. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tình cảm thắm thiết, sự quan tâm sâu sắc của Người đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh trong suốt cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ ở miền Nam; là những chuẩn mực về đạo đức, phong cách, lối sống mà đồng chí đã học tập, làm theo để trở thành một người cộng sản mẫu mực, xứng đáng là người học trò xuất sắc của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan