Tuần làm việc bận rộn vừa qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ghi dấu ấn mạnh mẽ với tinh thần hành động khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm cao của các đại biểu, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, đồng hành người dân, doanh nghiệp với nỗ lực đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ trên con đường hội nhập và phát triển bền vững.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Những quyết sách mang "sứ mệnh" đột phá
Với tinh thần rất khẩn trương làm việc không quản ngày đêm, “bàn làm không bàn lùi”, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã thảo luận kỹ lưỡng, sớm hoàn thiện các văn bản trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều nghị quyết có tính mở đường cho phát triển, kịp thời thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng.
Ba nghị quyết rất quan trọng được Quốc hội thông qua cùng lúc vào sáng 17/5; đồng thời trong buổi tối, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các nghị quyết: Nghị quyết số 196/2025/QH15 về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Nghị quyết số 197/2025/QH15 về cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 198/2025/QH15 về phát triển kinh tế tư nhân đều được đánh giá là những văn kiện “mang sứ mệnh mở đường”, góp phần “cởi trói” các nguồn lực xã hội, khơi thông các điểm nghẽn trong quá trình quản lý và thúc đẩy phát triển.
Toàn văn các văn kiện được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện sự khẩn trương và tinh thần hành động không ngừng nghỉ của Quốc hội. Không chỉ là bước đi kỹ thuật lập pháp, đây còn là thông điệp chính trị mạnh mẽ về tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, sự đồng hành, phối hợp quyết liệt và hiệu quả thực chất giữa Quốc hội và Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường phát triển vì người dân, vì doanh nghiệp, vì tương lai đất nước.
Kiến tạo không gian phát triển minh bạch, công bằng
Có thể nói, trong các nghị quyết đột phá này, Nghị quyết số 198/2025/QH15 về phát triển kinh tế tư nhân được cử tri cả nước, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi từ lâu. Đây là minh chứng sinh động cho việc cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế tư nhân thật sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đánh giá về Nghị quyết số 198/2025/QH15, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận cao khi cho rằng, đây là “cú huých thể chế” cho khu vực kinh tế tư nhân, là thành phần kinh tế chiếm hơn 40% GDP, đóng góp lớn về thu ngân sách và giải quyết việc làm. Các chính sách trong nghị quyết thể hiện tư duy đột phá khi chuyển từ quản lý kiểm soát sang tạo lập môi trường phát triển; từ can thiệp sâu sang kiến tạo, phục vụ; giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp, tăng hậu kiểm thông minh, dựa trên dữ liệu số...
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, Quốc hội vừa qua “vừa chạy vừa xếp hàng” cho thấy sự quyết tâm và hành động quyết đoán, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp kỳ vọng xã hội. Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nhấn mạnh, việc phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự và dân sự, giữa pháp nhân và cá nhân, giữa xử phạt hành chính và xử lý hình sự là bước tiến dài trong tư duy lập pháp. Điều này góp phần xóa bỏ tâm lý lo sợ rủi ro pháp lý, thay vào đó đã khơi thông tinh thần dám nghĩ, dám làm, “nghĩ lớn, làm lớn” trong sản xuất, kinh doanh.
Một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh là việc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, lạm quyền, nghiêm cấm hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Những điểm mới trong các nghị quyết đã đề cập cụ thể các biện pháp hỗ trợ về thuế, tín dụng, tiếp cận đất đai, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng được đưa vào nghị quyết như một hệ sinh thái chính sách đồng bộ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển bền vững và hiệu quả.
Cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao, cùng với Nghị quyết số 198/2025/QH15, Nghị quyết số 197/2025/QH15 được xem là “mảnh ghép thể chế” không thể thiếu, tạo đột phá trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Nghị quyết này kiến tạo không gian pháp lý đặc biệt, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong quy trình lập pháp và tổ chức thực thi pháp luật được coi là hai khâu có ảnh hưởng trực tiếp năng lực vận hành của bộ máy và hiệu lực của các chính sách.
Trên diễn đàn nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) và nhiều đại biểu khác đồng tình với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý điều kiện kinh doanh, coi đây là bước đi phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu này cũng cảnh báo nguy cơ “lợi dụng kẽ hở”, nếu thiếu cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, dẫn tới trốn thuế, rửa tiền, dễ hình thành và tạo ra những doanh nghiệp “ma” mà bài học trước đây đã chỉ ra. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống dữ liệu liên thông giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng, kết hợp công nghệ số trong công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu lực thực thi.
Trong khi đó, một số đại biểu lưu ý về sự cần thiết của cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường... để bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống, doanh nghiệp “không phải chờ chủ trương dài hơn cả thời gian thi công dự án”. Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan thực thi cần có hướng dẫn kịp thời, rõ ràng, tránh để chính sách được nói ví von “đẹp trên giấy nhưng tắc trên thực địa”!
Việc Quốc hội ban hành cùng lúc ba nghị quyết có tính chiến lược trong cùng một buổi làm việc là minh chứng cho quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là Quốc hội khóa XV, từng đại biểu Quốc hội đã thể hiện vai trò cơ quan lập pháp tối cao, giám sát và xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, lắng nghe nguyện vọng nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu thảo luận tại kỳ họp Quốc hội và sáng qua tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã thẳng thắn nêu rõ, “ban hành chính sách chỉ là bước đầu, thực thi mới là đích đến”. Do đó, yêu cầu đặt ra là Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương phải nhanh chóng ban hành hướng dẫn cụ thể, triển khai thống nhất, đồng bộ, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Vấn đề quan trọng nữa là cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh trục lợi chính sách, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và công khai.
Nguồn: https://nhandan.vn