Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh, các tổ chức tín dụng (TCTD) trong tỉnh đang đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Chương trình mang lại “lợi ích kép” cả về phía doanh nghiệp và ngân hàng, tạo sự gắn kết bền chặt trong mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi để đồng hành và phát triển, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tổ chức các hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ về vốn, lãi suất... tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh khẳng định: Nắm bắt nhu cầu từ phía cộng đồng doanh nghiệp, NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp bằng cách giảm chi phí cho vay; cơ cấu điều chỉnh lại thời hạn trả nợ, hạn mức cho vay; rà soát đánh giá lại tài sản bảo đảm tiền vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định.
Hoại động nghiệp vụ tại BIDV Chi nhánh Hưng Yên
Các TCTD thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Hạ lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí hoạt động… tạo dư địa giảm lãi suất cho vay; xem xét miễn, giảm một số loại phí không cần thiết; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ; nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thẩm định xét duyệt, không làm lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ thực tiễn cho thấy, qua chương trình, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Không chỉ được ưu đãi về lãi suất, doanh nghiệp còn được hỗ trợ tư vấn về quản trị dòng tiền, điều hành hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh thích ứng với tình hình thực tế; quản lý tài chính hiệu quả trên nền tảng số hóa… từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Chương trình cũng giúp doanh nghiệp được tiếp cận thêm với các thông tin cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN Việt Nam về hỗ trợ doanh nghiệp; các chương trình, chính sách tín dụng mới; hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu những sản phẩm chủ lực. Về phía các TCTD, chương trình giúp khơi thông được dòng vốn tín dụng, tăng trưởng tín dụng bền vững, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Đồng thời nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng từ phía các ngân hàng. Hiện nay, các TCTD ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay đối với các ngành then chốt, các ngành được khuyến khích phát triển theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh. Đến hết tháng 5/2024, dư nợ cho vay từ chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đạt gần 10 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 18,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,1% tổng dư nợ, tăng 199 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 1,1%) so với đầu năm.
Tuy nhiên, trên đà kinh tế đang phục hồi và phát triển, dư nợ cho vay doanh nghiệp tăng trưởng vẫn ở mức thấp, nguyên nhân chính do: Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, còn nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả các dự án bất động sản thương mại và nhà ở xã hội; một số doanh nghiệp không dám vay vốn vì sợ kinh doanh thua lỗ...
Để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, ngoài nỗ lực từ phía ngành ngân hàng, rất cần các giải pháp “hiệp lực” quan trọng tăng sức cầu của nền kinh tế từ phía Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Do đó, các TCTD cần tiến hành khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để phân nhóm các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng; lập danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mới hoặc gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng cần tiếp tục được tháo gỡ để có giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, các TCTD cần tuân thủ quy tắc, đặt chất lượng tín dụng lên hàng đầu, tránh lâm vào tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý xong lại xuất hiện nợ xấu mới. Các doanh nghiệp cần rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư, kiểm soát được dòng vốn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả, cân đối được nguồn trả nợ, tạo niềm tin cho ngân hàng, đối tác…
Nguồn: https://baohungyen.vn