Long An tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Ngày 20/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức "Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2025 tại Đồng bằng sông Cửu Long.”
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, Bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất trồng trọt, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch hại; đồng thời, tổ chức xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Qua đó, ngành trồng trọt vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng; năng suất, sản lượng một số sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Sản xuất lúa Đồng bằng sông Cửu Long đạt ước đạt 3,82 triệu ha, sản lượng 24,14 triệu tấn, năng suất 63,12 tạ/ha (so với năm 2023 diện tích giảm 16,35 nghìn ha, nhưng sản lượng tăng 11,13 nghìn tấn, năng suất tăng 0,30 tạ/ha).
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả khả quan trên, sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
Bệnh cạnh đó, sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả gây suy thoái đất đai. Sử dụng vật tư đầu vào (giống, phân bón...) chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng nguồn nước, khả năng cung ứng nước cho cây trồng theo khung thời vụ còn nhiều bất cập...
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cho biết hiện toàn tỉnh Long An có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 310.000ha với các loại cây trồng chủ lực.
Cụ thể, cây lúa gieo trồng lúa hàng năm khoảng 500.000 ha, sản lượng đạt 2,8-2,9 triệu tấn/năm, riêng năm 2023 đạt trên 3 triệu tấn; cây rau khoảng 10.000ha; cây thanh long khoảng 8.000ha; cây chanh khoảng 11.500ha.
Tỉnh Long An đã có 60.000ha lúa sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, 2.000ha rau, 6.000ha thanh long, 3.000ha chanh ứng dụng công nghệ cao; 6 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Long An tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.
Trên nền tảng đã có của sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, tỉnh quyết tâm thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Triển khai kế hoạch sản xuất trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện các Đề án Phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đặc biệt, Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao bền vững gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án phát triển cây ăn trái chủ lực, đề án Cây công nghiệp có lưu ý đến cây dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.
Tiếp tục thực hiện giải pháp chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo của Cục Trồng trọt; đồng thời, tăng cường hệ thống bẫy đèn, dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại trên lúa, cây ăn trái và rau màu..../.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn