Đến hẹn lại lên, khi mùa xuân đến mang hương bưởi thơm ngát khắp không gian, cũng là thời điểm nhiều địa phương trong tỉnh vào vụ chế biến bột sắn dây. Dù mang tính thời vụ nhưng nghề này mang lại thu nhập khá cho các hộ làm nghề, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn…
Tại thành phố Hưng Yên, chế biến bột sắn là nghề truyền thống tại nhiều địa phương như các xã: Phương Chiểu, Hồng Nam, Tân Hưng và phường Hồng Châu... Trước đây, các hộ sản xuất chủ yếu chế biến phục vụ nhu cầu gia đình. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ thuận lợi cùng hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ làm nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa.
Chế biến bột sắn dây tại cơ sở của ông Hoàng Văn Tải, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên)
Những ngày này, tại xưởng chế biến nông sản của gia đình ông Hoàng Văn Tải ở thôn Quang Trung, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), không khí lao động nhộn nhịp. Ông Tải cho biết: Gia đình tôi làm nghề chế biến bột sắn dây đã hơn 20 năm. Trước kia, mọi công đoạn đều làm thủ công nên vất vả mà năng suất thấp. Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tôi đầu tư mua các loại máy như: Máy nghiền, máy vắt, mấy khuấy, máy lọc bột và xây dựng hệ thống lò sấy bằng hơi. Trung bình mỗi vụ, gia đình tôi chế biến trên 3 tấn bột sắn thành phẩm. Với giá bán buôn trung bình 130.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Hưng có khoảng 30 hộ chuyên làm nghề chế biến bột sắn. Nghề truyền thống này đã giúp nhiều hộ dân làm kinh tế hiệu quả và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn. Trung bình, mỗi cơ sở quy mô lớn sản xuất 2 - 5 tấn bột sắn thành phẩm/vụ, thu lãi khoảng 50 - 100 triệu đồng/vụ. Đồng chí Ngô Quốc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: Ưu điểm của hoạt động sản xuất này là hầu như không có chất thải, phụ phẩm như: xơ, bã... được tận dụng toàn bộ để chăn nuôi gia súc hoặc bón cho cây trồng. Bên cạnh mua củ sắn từ nơi khác, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động nguyên liệu tại chỗ với diện tích trên 21 mẫu trồng cây sắn dây. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở sản xuất quan tâm đầu tư máy móc, chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bột sắn dây sản xuất tại Tân Hưng.
Vụ chế biến bột sắn dây diễn ra trong khoảng 2 tháng, từ khoảng đầu tháng Giêng đến hết tháng 2 âm lịch. Nguyên liệu là củ sắn chủ yếu được mua từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang… Theo kinh nghiệm của những hộ làm nghề lâu năm, củ sắn có hàm lượng tinh bột cao sẽ mỏng vỏ, lây đều... Trung bình, từ 10kg củ sắn tươi sản xuất được 1,5 – 1.8kg bột thành phẩm. Năm nay, nguyên liệu để chế biến bột sắn khá dồi dào, song giá cao hơn năm trước 10 – 15%, hiện ở mức 15.000 – 16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán bột sắn thành phẩm không có nhiều biến động so với năm trước, giá bán buôn 130.000 – 150.000 đồng/kg.
Chế biến bột sắn dây không khó nhưng mỗi hộ sản xuất lại có bí quyết riêng để bảo đảm chất lượng và hương vị. Anh Nguyễn Văn Thăng, hộ chế biến nông sản ở thôn Bình Xá, xã Tiền Phong (Ân Thi) cho biết: Tôi luôn cẩn trọng từ việc chọn nguyên liệu, kỹ thuật chế biến, đến nguồn nước, không sử dụng bất kỳ chất phụ gia nào để an toàn cho người sử dụng. Hiện nay, gia đình đã đầu tư máy sấy nông sản bằng điện để bột sắn thành phẩm có chất lượng thơm, ngon hơn. Ngoài ra, yêu cầu bắt buộc là bột sau khi lọc kỹ hết tạp chất phải được sấy đủ 40 - 80 giờ tùy loại lò hơi hoặc lò điện. Tôi thường sử dụng hoa bưởi, hoa nhài để ướp cùng bột tạo hương thơm tự nhiên nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng…
Những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm bột sắn dây Hưng Yên đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; đăng ký nhãn hiệu, làm tem điện tử truy xuất nguồn gốc để giới thiệu sản phẩm ra thị trường thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử…
Khách hàng chọn mua sản phẩm bột sắn dây Hưng Yên của HTX cây ăn quả và chế biến nông sản Tân Hưng (thành phố Hưng Yên)
Chị Đỗ Thị Ngoãn, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả và chế biến nông sản Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết: Hợp tác xã có trên 100 thành viên, trong đó 5 hộ tham gia chế biến bột sắn dây, với sản lượng củ tươi đạt khoảng 95 tấn/vụ, tạo việc làm cho 25 lao động thời vụ. Năm nay, giá thu mua củ tươi tăng trung bình 1.500 đồng/kg, hợp tác xã thống nhất duy trì giá bán sỉ ổn định 150.000 đồng/kg, bán lẻ 180.000 – 200.000 đồng/kg. Sản phẩm mang thương hiệu “Bột sắn dây Hưng Yên” của Hợp tác xã đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2021 nên thị trường tiêu thụ thuận lợi, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Để nâng cao giá trị thương hiệu, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hthành viên học hỏi công nghệ mới, đầu tư các loại máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, đặc biệt bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cập nhật mẫu mã, bao bì và hình thức tiếp cận khách hàng, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề này.
Với nhiều công dụng cho sức khỏe, làm đẹp, cùng nhiều đặc điểm nổi trội về chất lượng, sản phẩm bột sắn dây Hưng Yên có giá bán ổn định, thị trường tiêu thụ thuận lợi, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để chế biến món ăn hàng ngày hoặc làm quà biếu người thân, bạn bè…
Nguồn: https://baohungyen.vn