Là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, nhưng giá trị gia tăng mang lại của ngành dệt may Việt Nam đang rất thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng cũng như tiềm năng. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước trong việc đào tạo, hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ngành phát triển.
Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty May 10.
Bài 1: Định vị giá trị trong chuỗi
Những năm qua, đặc biệt là giai đoạn trước dịch Covid-19, ngành dệt may Việt Nam luôn đạt tăng trưởng ở mức hai con số, với tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm lên tới hàng chục tỷ USD và đứng trong Top 3 thế giới. Tuy nhiên, hiện ngành đang đối diện nhiều khó khăn khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu, trong khi doanh nghiệp chậm đổi mới, vẫn còn khoảng 35% doanh nghiệp chấp nhận phương thức cắt may thuê khiến giá trị gia tăng mang lại còn hạn chế.
Muốn đẩy mạnh phát triển, bắt buộc doanh nghiệp phải đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu cũng như đẩy mạnh đầu tư, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất,...
Giảm gia công thuần túy
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 40,3 tỷ USD, trong đó, nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm gần 58%, tương đương hơn 23,2 tỷ USD, điều đó cho thấy nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam đang trong tình trạng thiếu và yếu, cung không đáp ứng được cầu. |
Không chỉ vậy, dù chiếm lực lượng lao động nhiều nhất trong chuỗi, đặc biệt giá trị gia tăng mang lại thấp nhưng còn tới 35% các doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương thức sản xuất “lấy công làm lãi” bằng cách cắt may thuê là chính. Tồn tại tình trạng trên do các doanh nghiệp ngại đầu tư các trang thiết bị hiện đại, chiếm nguồn vốn lớn, hiệu quả hoạt động không cao.
Đề cập vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Theo tỷ lệ trong chuỗi, khâu đầu từ trồng bông cho đến dệt, nhuộm hoàn tất chiếm 15% lao động nhưng lại tạo ra 60% giá trị hay khâu cuối bao gồm phân phối, thương mại, dịch vụ chiếm 5% nhưng giá trị mang lại cũng khoảng hơn 20%, còn khâu may chiếm lực lượng lao động đông nhất, với 80% tổng số lao động nhưng chỉ tạo ra 18-20% giá trị.
Đơn cử, một chiếc áo sơ-mi loại trung bình xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có mức giá 6 USD thì chi phí về nguyên phụ liệu đã chiếm 3 USD, gia công chiếm 1,2 USD (đã bao gồm tất cả các chi phí về thùng, hòm, móc, túi,...) cộng với các khoản thuế, phí xuất khẩu vào khoảng 1,8 USD. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, giá trị chỉ đạt 2-3 cent/sản phẩm cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hiện mới tham gia chuỗi cung ứng ở khâu đơn giản nên giá trị mang lại thấp.
Tương tự, TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội khẳng định, qua nghiên cứu áo Hoodie có giá bán 26,66 euro, tổng lợi nhuận của áo tạo ra khoảng 5,14 euro thì 4,2 euro (chiếm 81,7% lợi nhuận) nằm ở khâu bán hàng, còn gần 1 euro chia đều cho các khâu như trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm, may,...
Điều đó chứng minh giá trị gia tăng mang lại ở khâu may rất thấp, buộc doanh nghiệp phải đầu tư, xây dựng hệ thống để từng bước tham gia chuỗi, qua đó mới có thể nâng cao giá trị. Cũng theo TS Hoàng Xuân Hiệp, ngành dệt may Việt Nam thời gian gần đây phát triển rất tốt, nếu cách đây 10 năm, tỷ lệ cắt may thuê chiếm tới 70-80%, nay đã giảm xuống còn 35% cắt may thuê thuần túy. Số còn lại khoảng 55% làm FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), 9% làm hàng ODM (thiết kế-sản xuất-bán thành phẩm) và 1% làm hàng OBM (sản xuất, gắn thương hiệu gốc).
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết thêm, hiện có một số doanh nghiệp đang làm gia công thuần túy, tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc,... trước đây cũng làm như vậy.
Trong quy trình phát triển doanh nghiệp sẽ phát triển từng bước, từ thấp đến cao; sau khi có điều kiện mới tính đến phương thức sản xuất tạo giá trị cao hơn. Chẳng hạn đối với May 10, khi làm gia công từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã xác định chuyển sang làm FOB hoàn toàn, thay vì làm gia công thuần túy và tiến lên làm hàng OBM; đối với hàng ODM đã có những bộ sưu tập trực tiếp các nhãn hàng để khách hàng lựa chọn, qua đó sẽ mang lại giá trị tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời cũng đối diện với nhiều rủi ro hơn. Chung quan điểm, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nhấn mạnh, các doanh nghiệp lựa chọn phương thức cắt may thuê không còn nhiều, bởi các nhãn hàng đang dần triệt tiêu khâu trung gian, yêu cầu doanh nghiệp làm trực tiếp. Do đó, doanh nghiệp phải đáp ứng được ba vấn đề cơ bản đó là phải có nguồn lực về thiết kế, phát triển mẫu theo ý tưởng của họ; có nguồn lực tài chính chủ động và khả năng quản trị, giỏi ngoại ngữ để có thể chủ động đàm phán về giá, kết nối với nhà cung cấp nguyên phụ liệu trên toàn cầu,…
Đa dạng nguồn cung
Mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế. Chưa kể sau đại dịch Covid-19, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn bền vững một cách chặt chẽ hơn khiến các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày,... gặp khó khăn trong việc duy trì năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Việc thay đổi tổ chức sản xuất, dây chuyền công nghệ sẽ đi kèm với gia tăng chi phí đầu tư trong khi khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp rất hạn chế,...
Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas Trương Văn Cẩm khẳng định: Dệt may là một trong những ngành sản xuất chịu tác động tiêu cực và bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do thiếu nguyên liệu, rất nhiều doanh nghiệp phải tái tổ chức dây chuyền sản xuất và loay hoay trong việc xử lý các đơn hàng xuất khẩu. Nhiều nhà máy may đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu, gây tổn hại đến sản xuất, xuất khẩu và gia tăng nguy cơ chậm trễ việc giao hàng cho khách hàng.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đang tập trung đa dạng nguồn cung nguyên phụ liệu, xây dựng kết nối với hàng trăm nhà cung cấp trên toàn thế giới để linh hoạt đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thích ứng với những tình huống bất lợi có thể xảy ra nhằm duy trì và giữ ổn định hoạt động sản xuất.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt, trong trạng thái bình thường mới, dệt may Việt Nam cần có những nỗ lực, giải pháp tham gia sâu, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng chuyển đổi số được coi là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững.
Việc thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cần định vị lại vị thế của mình. Đặc biệt, phải xác định giảm dần phương thức gia công thuần túy, lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá bằng cách sớm chuyển đổi sang phương thức sản xuất FOB, ODM hay OBM. Nếu thiếu đi tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, doanh nghiệp Việt không thể tận dụng cơ hội để đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực tiễn cho thấy, đầu tư cho công nghệ, quy trình sản xuất “xanh” hay xây dựng thương hiệu riêng không dễ dàng, giá thành cũng không rẻ, doanh nghiệp cần có nguồn vốn, nguồn nhân lực trình độ cao cũng như khung hành lang pháp lý thông thoáng. Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều; ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành để triển khai có hiệu quả. Muốn tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập, về lâu dài Nhà nước cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần tập trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất phân phối.
Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI. Ngoài ra, Nhà nước cần phát huy hiệu quả vai trò của các tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường ở cả chiều nhập và xuất khẩu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ 4.0, từ đó bắt kịp xu thế để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: https://nhandan.vn