KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 23/08/2023 - Lượt xem: 1350
Nhãn lồng Hưng Yên có chất lượng cao, giá bán ổn định

Theo tổng hợp từ các huyện, thị xã, thành phố, tính đến tháng 8 năm 2023, diện tích nhãn toàn tỉnh ước khoảng 4.800 héc-ta; sản lượng ước sơ bộ đạt khoảng trên 42.000 tấn; trong đó, nhãn chín sớm khoảng 4.200 tấn (chiếm 10%), nhãn chính vụ khoảng 23.100 tấn (chiếm 55%), nhãn chín muộn khoảng 14.700 tấn (chiếm 35%). Trong đó, có gần 1.500 héc-ta trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của 111 hợp tác xã, tổ hợp tác. Các giống nhãn chủ yếu như PHM 99.2.1 (Hương Chi) chiếm 35%, PHM 99.1.1 (Miền Thiết) chiếm 30%, nhãn cùi, T2, T1, T6, siêu ngọt… chiếm 25%, còn lại là nhãn thóc, nhãn nước. Diện tích tập trung chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu chiếm 70% sản lượng nhãn của tỉnh, còn lại ở các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ, Kim Động và một lượng rất nhỏ rải rác trên các huyện, thị xã còn lại.
Nhãn cùi cổ của hộ ông Bùi Xuân Tám bán với giá 100 nghìn đồng/kg
Đến ngày 22/8, nhãn chín sớm ở các địa phương đã thu hoạch xong, nhãn chính vụ đang vào thời điểm cuối vụ thu hoạch; trà nhãn muộn đang cho cho thu hoạch rộ. Từ đầu vụ đến nay, các nhà vườn bán nhãn quả tươi với giá bán ổn định, đa số người trồng nhãn có thu nhập, lợi nhuận khá, hoạt động tiêu thụ, chế biến cơ bản được bảo đảm.
Bà Trần Thị Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu (thành phố Hưng Yên) cho biết: Năm nay, tuy một số diện tích cho sản lượng thấp, song giá bán nhãn ổn định, trong đó nhãn chất lượng cao như nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn có giá bán từ 90 đến 100 nghìn đồng/kg, các giống nhãn khác như Hương Chi… có giá bán trung bình 20 - 30 nghìn đồng/kg. Vụ nhãn năm nay, hầu hết các thành viên của HTX đều có thu nhập, lợi nhuận khá.
Tại vùng nhãn chín muộn của huyện Khoái Châu, thời điểm này đang vào thu hoạch rộ, thương lái và các doanh nghiệp đang khẩn trương ký kết hợp đồng thu mua. Huyện Khoái Châu hiện nay có hơn 1,3 nghìn héc-ta nhãn đang cho thu hoạch, trong đó chủ yếu là nhãn chín muộn, có quy mô tập trung khoảng 900 héc-ta ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình... Qua ghi nhận tại các nhà vườn và hợp tác xã trồng nhãn của huyện Khoái Châu, vụ này, nhãn Miền Thiết loại 1 có giá bán 10 - 15 nghìn đồng/kg; loại 2, 8 - 10 nghìn đồng/kg. Một số giống nhãn chất lượng như: T6, siêu ngọt, T1 có giá bán ổn định như năm trước, từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg. Một số sản lượng nhãn có giá bán thấp nguyên nhân do cây còn non, kỹ thuật chăm sóc chưa bảo đảm; bón phân, tưới, tiêu không cân đối; nhãn thu hoạch ở các cành chổng, đỉnh chóp của tán nên chất lượng quả thấp, giá bán không cao.
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo, xã Bình Kiều (Khoái Châu) cho biết: Do ảnh hưởng của thời tiết bất thuận ở đầu vụ nhãn ra hoa, đậu quả nên một số diện tích cho sản lượng thấp. Hiện nay, hợp tác xã đang thu mua nhãn Miền Thiết của các thành viên và của các nhà vườn để cung cấp cho khách hàng với giá bán nhãn loại 1 từ đầu vụ thu hoạch đến nay đạt trung bình 12 nghìn đồng/kg, nhãn loại 2 đạt trung bình 7 - 8 nghìn đồng/kg. Các giống nhãn siêu ngọt hợp tác xã đang bán với giá 36 nghìn đồng/kg, nhãn T6 có giá bán 50 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khoảng 1,5 nghìn héc-ta sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 30% diện tích nhãn toàn tỉnh. Có khoảng gần 10 héc-ta nhãn ở thành phố Hưng Yên đã nâng cấp từ quy trình VietGAP sang canh tác theo hướng hữu cơ. Theo đánh giá của các hộ sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, hữu cơ, sản lượng nhãn đạt khá, song cung không đủ cầu, chất lượng nhãn ngon, giá bán đạt cao hơn so với nhãn sản xuất theo phương thức thâm canh truyền thống.  
Ông Bùi Xuân Tám, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Hiện nay, gia đình tôi trồng hơn 100 cây nhãn cùi cổ. Năm nay nhãn cùi cổ tiếp tục được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng, nhu cầu mua cao; giá bán nhãn cùi cổ tại vườn hơn 100 nghìn đồng/kg. Ngoài trồng nhãn đặc sản, nhãn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có mã đẹp, quả đều, chi phí sản xuất giảm 10% so với sản xuất truyền thống, năng suất cao hơn từ 15% trở lên. Ngoài ra, nhãn quả VietGAP được thương lái tới tận vườn thu mua, giá bán cao hơn khoảng 20% so với thị trường do đáp ứng được mẫu mã và chất lượng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm nay, diện tích nhãn ra hoa đạt cao (trên 95%). Tuy nhiên, thời điểm nhãn nở hoa cái (nửa cuối tháng 3, đầu tháng 4) có nhiều ngày mưa nên tỉ lệ đậu quả bị ảnh hưởng, nhất là trên những diện tích nhãn tạp, ít được chăm sóc, tỉ lệ đậu quả bình quân ước đạt 65 – 70%. Qua khảo sát, nhìn chung các hợp tác xã, nông dân trồng nhãn trong tỉnh đã thực hiện rải vụ, một số địa phương đã có nhãn từ rất sớm, điển hình như huyện Phù Cừ, thành phố Hưng Yên, Tiên Lữ, sản lượng chiếm khoảng (5%). Trà nhãn sớm của tỉnh năm nay bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 (chiếm khoảng 10%); trà trung cho thu hoạch từ ngày 25/7 đến ngày 15/8 (khoảng 55%), với dòng nhãn tập trung như Hương Chi, nhãn cùi, T6… Trà nhãn muộn tập trung cho thu hoạch từ cuối tháng 8 đến tháng 9 với dòng nhãn chủ yếu là nhãn Miền thiết, Siêu ngọt, HTM1, HTM2 (chiếm 35%). Các HTX đã chủ động giữ mối hàng những năm trước, đồng thời qua hỗ trợ giới thiệu, vào cuộc của các sở, ngành, các sản phẩm nhãn của Hưng Yên đã được phân phối vào thị trường qua hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng hoa quả sạch tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, làm quà biếu… chiếm khoảng 20% sản lượng nhãn của tỉnh; còn lại 70% xuất bán qua thương lái, các chợ đầu mối, 10% được dùng để chế biến long nhãn.
Các nhà vườn của huyện Khoái Châu thu hoạch nhãn trà muộn
Qua đánh giá, một số giống nhãn có giá bán tương đối ổn định, cụ thể: Đối với các giống nhãn thuộc trà sớm và chính vụ: Nhãn Hương Chi từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg. Trong đó, nhãn Hương Chi thu hoạch từ ngày 1/5-10/7 giá bán 30.000 - 50.000 đồng/kg; thu hoạch từ ngày 10/7-25/7 giá bán 20.000 - 40.000 đồng/kg; thu hoạch từ ngày 25/7-15/8 giá bán 20.000-25.000 đồng/kg; nhãn T1, T2, T6 và siêu ngọt giá bán 35.000 - 45.000 đồng/kg; nhãn cùi, nhãn đường phèn giá bán từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg. Đối với các giống nhãn thuộc trà muộn, giá bán nhãn Miền Thiết từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg (trong đó nhãn Miền Thiết được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP bán với giá 25.000-35.000 đồng/kg); nhãn T1, T2, T6, siêu ngọt có giá bán 35.000-50.000 đồng/kg. Đối với các loại nhãn trồng không đạt tiêu chuẩn VietGAP (để quả sai, chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, diện tích trồng phân tán không được quan tâm chăm sóc…), cây bóng mát, được trồng ở ven đường, cơ quan… chiếm số lượng nhỏ, chủ yếu được để sấy khô, làm long, giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, theo rà soát các nguồn khác nhau, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 lò sấy nhãn bằng điện, 260 lò sấy thủ công với công suất khoảng 70-80 tấn quả tươi mỗi ngày, thời gian chế biến kéo dài khoảng 25 ngày, sản lượng chế biến từ 1.750 đến 2000 tấn quả tươi, qua đó, giúp làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nhãn trên địa bàn tỉnh (giá bán long nhãn từ 170.000 - 250.000 đồng/kg.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan