KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 23/09/2023 - Lượt xem: 1860
Nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao

Từ tháng 4/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình “Nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao” với quy mô 3,8ha; thời gian thực hiện là 10 tháng, tại một số hộ trong tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng.

Lực lượng khuyến nông kiểm tra chất lượng giống cá trắm cỏ trước khi cấp phát cho các hộ nuôi thả
Mô hình thực hiện nuôi ghép theo tỷ lệ cá trắm cỏ chiếm 50%, cá chép 15%, cá mè trắng 15%, cá trôi 10%, rô phi 10%. Mục tiêu của mô hình phấn đấu tỷ lệ cá sống đạt từ 70% trở lên, kích thước cá trắm cỏ khi thu hoạch đạt bình quân từ 0,8kg/con trở lên, hệ số sử dụng thức ăn 1,2, năng suất đạt trên 10 tấn/ha, thu lãi đạt từ 120 đến 200 triệu đồng/ha/8 tháng nuôi.
Điều kiện để các hộ tham gia mô hình cần có diện tích ao trên 0,2ha/hộ, tự nguyện tham gia mô hình, được chính quyền địa phương chấp thuận; có địa điểm thực hiện phù hợp với nội dung, yêu cầu kỹ thuật của mô hình; chưa nhận hỗ trợ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình; cam kết đầu tư vốn đối ứng phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của mô hình, ngoài phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo tiến độ và tương ứng với tỷ lệ đầu tư thực tế của mô hình; không được chuyển nhượng, mua bán hoặc sử dụng sai mục đích diện tích làm mô hình, các loại giống, vật tư được hỗ trợ; có đủ trình độ để tiếp thu và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Đồng thời, các hộ được hỗ trợ hơn 31,2 tấn thức ăn cho cá, trong đó hơn 10 tấn có hàm lượng protein 35% và hơn 21,2 tấn có hàm lượng protein 30%;
Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn, giới thiệu cho các hộ tham gia mô hình và ngoài mô hình lợi ích của việc nuôi cá theo hướng an toàn, bền vững, áp dụng nuôi cá theo hướng VietGAP; đặc điểm sinh học của một số đối tượng cá; kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, thả cá giống, chăm sóc đàn cá nuôi và quản lý ao nuôi; kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, Trung tâm cử 4 nhân viên khuyến nông trực tiếp hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình, kỹ thuật nuôi; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các hộ tham gia mô hình; hướng dẫn chủ hộ viết nhật ký mô hình, báo cáo kết quả tiếp nhận, triển khai thực hiện mô hình; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình triển khai, thực hiện và báo cáo kết quả khi kết thúc mô hình.
Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Cá trắm cỏ dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều về dinh dưỡng, chi phí sản xuất thấp nhưng giá bán cao và ổn định; giá cá trắm cỏ thương phẩm loại 1 dao động từ 50.000 đến 65.000 đồng/kg tại ao và dễ tiêu thụ. Mặt khác, trước diễn biến giá thức ăn cho cá ngày càng tăng cao, tác động trực tiếp đến hiệu quả của người nuôi đối với các loài thủy sản sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi cá trắm cỏ thâm canh chính là nguồn thu bù đắp cho chi phí nuôi các loài cá khác. Bên cạnh những ưu điểm trên, công nghệ nuôi cá trắm cỏ, phòng trị bệnh, công tác chọn giống đang gặp khó khăn đối với nhiều nông hộ trong tỉnh. Một trong những nguyên nhân làm cho năng suất, sản lượng của cá trắm cỏ luôn thấp do đây là loài mẫn cảm với môi trường, mầm bệnh nên tỷ lệ sống thấp; chủ yếu là nuôi ghép mật độ thấp, một số bệnh xảy ra trên cá kết quả điều trị không cao, các bệnh do vi rút chưa có thuốc đặc trị… Do vậy, việc triển khai thực hiện mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ là chính trong ao nhằm phát triển giống cá trắm cỏ và các đối tượng cá truyền thống đạt năng suất cao, gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả cho nông dân trong nuôi thả thuỷ sản.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan