KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 28/11/2023 - Lượt xem: 4241
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo nhóm và đúng kỹ thuật

Trước đây, người dân mới chỉ biết tới việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 loại là rác thải hữu cơ và rác thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế, chất thải rắn sinh hoạt có rất nhiều loại khác nhau đòi hỏi việc phân loại đúng kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như nâng cao hiệu quả xử lý.
Người dân xã Minh Tiến (Phù Cừ) tự phân loại, xử lý rác hữu cơ
Thực hiện các Công văn: Số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; số 3074/UBND-KT2 ngày 10/11/2023 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; ngày 21/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 2791/STNMT-QLMT về việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt cần được phân loại thành 3 nhóm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; nhóm chất thải thực phẩm; nhóm chất thải sinh hoạt khác. Với tổng số 28 loại chất thải rắn khác nhau như: Giấy thải, nhựa thải, thiết bị điện tử, thức ăn thừa, chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh... Đối với mỗi loại chất thải thuộc mỗi nhóm khác nhau, cần được nhận dạng và thực hiện phân loại theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 Ví dụ, theo hướng dẫn, nhựa thải trong quá trình sinh hoạt của người dân như: Chai, lọ, hộp... Cần được bỏ nắp, loại bỏ nước hoặc dung dịch bên trong, thu gọn. Với thủy tinh thải, cần xếp gọn vật sắc nhọn, tránh gây thương tích, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và xử lý. Với thiết bị điện tử cần giữ nguyên hình dạng, không tháo rời. 28 loại chất thải rắn sinh hoạt được Bộ Tài nguyên và Môi trường miêu tả chi tiết, kèm hình ảnh trực quan và hướng dẫn cụ thể cách phân loại đúng, an toàn. Người dân có thể dễ dàng xem hướng dẫn chi tiết trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên.
Đã có ý thức phân loại rác thải sinh hoạt từ nhiều năm nay, bà Vũ Thị Hoa, người dân xã Hùng An (Kim Động) cho biết: Trước đây, tôi mới chỉ biết đến việc phân loại và xử lý rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng, thu gom các loại phế liệu nhựa và kim loại có thể tái chế để bán cho hộ kinh doanh phế liệu. Còn các loại rác khác gom hết vào bao để đưa ra bãi rác chứ chưa biết phân loại đúng kỹ thuật. Nay có hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi sẽ áp dụng và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cùng thực hiện.
Cũng theo chia sẻ của các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, việc phân loại đúng kỹ thuật giúp các bộ phận vận chuyển, xử lý rác hiệu quả, an toàn hơn, nâng cao chất lượng xử lý và bảo vệ môi trường.
Ông Đào Trường Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên cho biết: Để thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, công ty bố trí 120 công nhân, lao động làm việc trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Tuy nhiên lượng rác phát sinh hằng ngày liên tục tăng, nhiều loại rác thải phải vận chuyển và xử lý riêng do quá cồng kềnh hoặc độc hại, các tốp công nhân thường xuyên phải tăng ca. Nếu việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn sẽ nâng cao hiệu quả, giảm thời gian thu gom, xử lý rác.
Triển khai quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn. Tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân. UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phù hợp các quy định của pháp luật, thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan