Thời tiết từ tháng 4 đến nay có nhiều ngày trời âm u liên tục, xen kẽ mưa rải rác, độ ẩm và nhiệt độ cao, đây là điều kiện thuận lợi cho một số sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại trên lúa như bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy nâu – rầy lưng trắng… Để bảo vệ lúa vụ xuân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh, những ngày qua, nông dân ở các địa phương đang tích cực thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.
Cùng với các địa phương trong tỉnh tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân, nông dân huyện Kim Động đang khẩn trương thăm đồng, phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh. Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện nay, lúa xuân trong giai đoạn đông sữa, chắc xanh, chín đỏ đuôi. Để chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ, ngành chuyên môn và các địa phương trong huyện đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa, đặc biệt là bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn cổ bông. Phòng Nông nghiệp và PTNT, trạm bảo vệ thực vật (BVTV) huyện đã chủ động khuyến cáo nông dân phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu. Để hạn chế những thiệt hại do sâu bệnh gây ra, cán bộ chuyên môn của huyện tích cực hướng dẫn nông dân phòng trừ đúng quy cách, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu bệnh, đặc biệt sự phát sinh gây hại của rầy nâu, rầy lưng trắng. Thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao.
Nông dân xã Bắc Sơn (Ân Thi) phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân cuối vụ
Qua kiểm tra đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, trên lúa xuân có hơn 1 nghìn héc-ta nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, diện tích nhiễm nặng 31,2 héc-ta, nông dân đã phòng trừ được hơn 1 nghìn héc-ta. Bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện cục bộ trên một số giống nhiễm (giống nếp Lang Liêu, TBR225...). Diện tích nhiễm 43,5 héc-ta (nhiễm nhẹ), nông dân đã phòng trừ được 329 héc-ta. Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh và gây hại chủ yếu trên diện lúa trỗ muộn cấy dầy, bón nặng đạm. Diện tích nhiễm hơn 6 nghìn héc-ta, nhiễm nặng 201 héc-ta, nông dân đã phòng trừ được hơn 6,5 nghìn héc-ta. Bệnh bạc lá do vi khuẩn phát sinh và gây hại cục bộ trên một số giống nhiễm như: Bắc thơm số 7, T10, một số giống lúa lai…, đặc biệt gây hại mạnh sau những trận mưa giông. Diện tích nhiễm 52 héc-ta, nông dân đã phòng trừ được 153,5 héc-ta. Ngoài ra, “lúa ma” xuất hiện rải rác ở những khu vực ruộng vụ trước đã xuất hiện; sâu đục thân 2 chấm gây hại rải rác và gây hại cục bộ một số ruộng bướm dồn ở gần đường giao thông (mật độ thấp).
Đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thời điểm này, các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự báo chính xác thời điểm phát sinh sâu bệnh hại lúa như bệnh đạo ôn cổ bông, bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng... để thông báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, an toàn, hiệu quả. Nếu thời tiết còn âm u, độ ẩm không khí cao, nhất thiết phải phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống lúa nhiễm như: Nếp các loại, Q5, Khang dân 18, TBR225… bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Bankan 600WP, Bum Gold 40WP, Angate 75WP, Dojione 40EC, Filia 525SE. Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn cần chủ động phòng bệnh trước hoặc ngay sau các trận giông, mưa to, gió lớn trên các giống nhiễm Hương Thơm số 1, TBR225, Bắc Thơm số 7... bằng các thuốc như: Totan 200WP, Ychatot 900SP. Rầy nâu, rầy lưng trắng ở giai đoạn đòng, trỗ, đông sữa nếu xuất hiện rầy cám mật độ từ 750 – 1.500 con/m2 cần phòng trừ bằng các thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Chatot 600WG, Afta 300 WP (Khi phun không phải rẽ lúa); giai đoạn lúa đỏ đuôi hoặc rầy từ tuổi 3 trở lên mật độ từ 750 – 1.500 con/m2 cần phòng trừ bằng các thuốc tiếp xúc như: Bassa 50EC, Nibas 50EC (Khi phun thuốc nhất thiết phải rẽ lúa thành từng băng và phun trực tiếp vào nơi rầy cư trú để tăng hiệu quả phòng trừ). Yêu cầu khi phun trừ rầy trên ruộng phải có nước từ 2-3cm trở lên. Giai đoạn này, khi phun cần bảo đảm thời gian cách ly. Ngoài ra, bệnh khô vằn sử dụng các thuốc như Anvil 5SC, Tilt Super 300EC, Super One 300EC, Camilo 150SC, Help 400SC. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh, lưu thông thuốc BVTV trên địa bàn, không để việc bán thuốc ngoài danh mục, kém chất lượng, nâng giá bán, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin diễn biến tình hình phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại lúa, biện pháp kỹ thuật phòng trừ để nông dân áp dụng. Chi cục BVTV chỉ đạo phòng, trạm chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng (kể cả ngày nghỉ và ngày lễ), theo dõi chặt chẽ sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại lúa, thông báo thời điểm, biện pháp, kỹ thuật phòng trừ hiệu quả để nông dân thực hiện; tăng cường phối hợp công tác kiểm tra việc kinh doanh, lưu thông thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp, đại lý thuốc BVTV cung ứng đủ, bảo đảm số lượng, chất lượng các loại thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; không được khuyến cáo và bán kèm các loại thuốc không có trong hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh bảo đảm điều tiết đủ nước để lúa làm đòng, trỗ bông và thuận lợi cho việc phòng trừ sâu bệnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn