KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 10/06/2024 - Lượt xem: 231
Quốc hội nhất trí giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Năm 2025, Quốc hội sẽ giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, chiều 8/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Nghị quyết được 466/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,69% tổng số đại biểu Quốc hội.
Công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sáng 30/5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Đa số các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung Tờ trình số 833/TTr-UBTVQH15 ngày 17/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; đồng thời, thống nhất nhận định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ giám sát năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp.
Các hoạt động giám sát được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực thi pháp luật, đặc biệt là đối với vấn đề được giám sát.
Qua hoạt động giám sát đã cung cấp nhiều cơ sở thực tiễn quan trọng, bảo đảm gắn kết với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, đánh giá cao việc lựa chọn 2 chuyên đề giám sát năm 2025 là phù hợp, đều là những vấn đề rất quan trọng, mang tính thời sự, được cử tri và Nhân dân quan tâm.
Giám sát tối cao chuyên đề về bảo vệ môi trường trong năm 2025
Về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Bên cạnh đó, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 với tỷ lệ 95,69% đại biểu Quốc hội tán thành. (Ảnh: THỦY NGUYÊN))
Liên quan đến ý kiến đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề về bảo vệ môi trường và nguồn nhân lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc lựa chọn giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng tài sản công và giải ngân vốn đầu tư công để giám sát trong năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và căn cứ đặc điểm tình hình năm 2025, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội và được đại đa số các vị đại biểu Quốc hội nhất trí, quyết định lựa chọn 1 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề.
Bên cạnh đó, một số nội dung như đề xuất của đại biểu đã được lồng ghép trong xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về: kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội cân nhắc lựa chọn những vấn đề được cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội quan tâm để tiến hành giám sát theo hình thức phù hợp.
Quang cảnh phiên họp chiều 8/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Một số ý kiến đề nghị, khi xác định nội dung giám sát của các chuyên đề giám sát năm 2025 cần trọng tâm, tập trung một số vấn đề cụ thể; đồng thời, giới hạn phạm vi giám sát phù hợp để hoạt động giám sát hiệu quả, thiết thực.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xác định trọng tâm, trọng điểm khi xây dựng dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát trình Quốc hội và khi xây dựng kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát.
Sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng trong các kỳ họp tiếp theo
Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024, những tháng đầu năm 2025 và báo cáo tài chính Nhà nước năm 2023; báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Tại kỳ họp thứ 9, bên cạnh việc tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 106 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; việc thực hiện Nghị quyết số 93 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc thực hiện Nghị quyết số 135 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Tại kỳ họp thứ 10, ngoài các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công trung hạn; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án cũng là nội dung được xem xét tại kỳ họp thứ 10.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2024; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2024...
Ngoài ra, Quốc hội xem xét báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Các báo cáo của thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và khóa XV về giám sát chuyên đề, chất vấn, cũng sẽ được xem xét tại kỳ họp thứ 10.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan