Theo đánh giá sơ bộ từ các sở, ngành chuyên môn, dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích đất phục vụ sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt gần 6 nghìn héc-ta với khoảng trên 450 nghìn công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Dự kiến số công nhân, lao động có nhu cầu về nhà ở chiếm tỉ lệ khoảng 25%. Tuy nhiên theo tổng hợp của Sở Xây dựng, toàn tỉnh mới có chưa đầy 200 căn hộ cho công nhân thuộc một số dự án nhỏ trong tỉnh đang đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, một số công ty, doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhà ở, ký túc xá cho người lao động, nhưng số lượng còn hạn chế.
Khu nhà ở, ký túc xá cho công nhân của Công ty cổ phần bao bì Mitaco (xã Tân Lập, Yên Mỹ)
Đồng chí Cao Quang Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Những năm gần đây, lượng công nhân, lao động làm việc tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp rời lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, tuy nhiên lượng nhà ở đáp ứng cho số lao động này rất hãn hữu. Nguyên nhân chủ yếu là do lĩnh vực đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đòi hỏi đầu tư cao, lãi thấp, khó thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa hấp hẫn các doanh nghiệp, công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn.
Công ty cổ phần bao bì Mitaco (xã Tân Lập, Yên Mỹ) là một trong số ít doanh nghiệp trong tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà ở, ký túc xá cho người lao động ngay từ khi thành lập. Anh Lưu Xuân Hưng, Quyền Giám đốc nhà máy của công ty cho biết: “Từ năm 2006, khi xây dựng công ty, hạng mục nhà ở, ký túc xá cho người lao động đã được đầu tư song song cùng với các hạng mục nhà xưởng khác. Khu nhà được xây dựng 3 tầng, đủ để cho hơn 100 người lao động ở, ưu tiên cho các lao động ở xa và không thu bất cứ khoản phí nào”.
Đi thăm khu nhà ở của công nhân trong công ty, khuôn viên xanh mát và những dãy phòng sạch sẽ, thoáng đãng, ngăn nắp, người lao động cũng yên tâm hơn khi gắn bó với công ty. Anh Nguyễn Văn Tới, quê ở tỉnh Thái Bình, đã gắn bó nhiều năm với công ty chia sẻ: “Thời gian đầu đến Hưng Yên làm việc, tôi phải đi thuê nhà trọ, điều kiện khó khăn, chi phí tốn kém. Khi làm việc ở công ty, tôi được công ty bố trí đầy đủ chỗ ăn, ngủ, mỗi tháng đều tiết kiệm được vài triệu đồng sinh hoạt phí và tiền thuê nhà. Đến nay, tôi đã gắn bó với công ty được hơn 15 năm”.
Bên cạnh đó, vẫn đang có nhiều người lao động trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh phải thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt cao. Chị Vũ Thị Liên, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long II chia sẻ: “Gia đình tôi ở xa lại có con nhỏ nên đã đi thuê nhà trọ được vài năm, chất lượng nhà trọ không ổn định, tôi phải chuyển chỗ ở mấy lần. Chi phí thuê nhà trọ, tiền điện, nước, sinh hoạt phí tăng lên, việc tiết kiệm tiền để mua đất xây nhà gần nơi làm việc gặp khó khăn do thu nhập của gia đình chỉ ở mức đủ ăn, đủ tiêu”. Do số lượng nhà ở cho công nhân, lao động, người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh còn ít nên phần lớn những người có mức sống trung bình hoặc thấp vẫn phụ thuộc vào dịch vụ nhà trọ.
Ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, hoàn thành khoảng 428.000 căn, giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Ngày 8/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về Đề án Phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ngày 9/9/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 152/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Đề án Phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ bảo đảm giải quyết được khoảng 50% số công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung có nhà ở, gồm 17 nghìn căn hộ với tổng diện tích hơn 1 triệu mét vuông; đến năm 2030, 85% công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở được giải quyết về nhà ở với 45,7 nghìn căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng hơn 2,8 triệu mét vuông. Tỉnh đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó tập trung rà soát, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; xây dựng, thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi và thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động; ưu tiên, hỗ trợ về thủ tục đầu tư xây dựng đối với những doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp sử dụng nhiều lao động đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong các dự án khu nhà ở công nhân đã được đầu tư hạ tầng; doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê nhà ở với chủ đầu tư dự án khu nhà ở cho công nhân của doanh nghiệp.
Hiện nay, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang được đầu tư, xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các khu công nghiệp đều dành quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động. Điển hình như Khu công nghiệp số 05 đang được xây dựng nằm trên địa bàn 2 huyện Kim Động và Ân Thi, diện tích hơn 192,6 héc ta, tổng vốn đầu tư 2.385 tỷ đồng. Khu công nghiệp được quy hoạch xây dựng khu nhà ở cho công nhân với diện tích 12 héc ta, sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp.
Nguồn: https://baohungyen.vn