KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 09/05/2024 - Lượt xem: 482
Siết chặt kỷ luật đảng và phép nước: Vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn

Đảng, Nhà nước đã có quy định về trách nhiệm cá nhân trước tập thể từ phía cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị dựa trên nguyên tắc vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn.

Ảnh minh họa.

Việc cương quyết xử lý những hành vi sai phạm của cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, trong đó có vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm đối với người đứng đầu thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật đảng và phép nước.

Quy định cụ thể

Đảng, Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm cá nhân trước tập thể từ phía cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị dựa trên nguyên tắc: Vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn.

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Quy định này quy định phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý.

Đáng chú ý là người đứng đầu chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.

Quy định 142 là một bước tiếp theo nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Vai trò càng lớn thì trách nhiệm càng cao, bao gồm cả việc miễn nhiệm, từ chức nếu như không hoàn thành trọng trách. Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quy định cụ thể việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Hai khái niệm “miễn nhiệm” và “từ chức” được phân biệt rành mạch trong quy định này.

Miễn nhiệm theo Quy định số 41-QĐ/TW là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Còn từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Trong đó, căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu có các trường hợp sau: miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước còn phải tuân thủ chế độ trách nhiệm quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ. Theo đó, bên cạnh việc chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, người đứng đầu còn có trách nhiệm nêu gương gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên. Lãnh đạo cấp càng cao thì sự gương mẫu lại càng phải cao.

Đồng lòng thực thi

Các quy định của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm đối với người đứng đầu, về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã được các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực vừa qua.

Thời gian qua, nhiều cán bộ giữ các trọng trách từ Trung ương đến địa phương trong hệ thống chính trị đã bị miễn nhiệm hoặc được cho thôi giữ chức vụ. Trong đó, có cả cán bộ đã "vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm đó gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí."

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Việc cho thôi chức vụ đối với cán bộ, đảng viên, kể cả những người giữ vị trí cao, là nhằm xây dựng bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thể hiện sự thượng tôn của pháp luật, làm lan tỏa ý thức trách nhiệm chính trị trong hàng ngũ đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đồng thời, đây cũng là cách để cán bộ tự soi, tự sửa mình thường xuyên như "đánh răng, rửa mặt hằng ngày," coi danh dự cao hơn quyền hạn, chức tước hay bổng lộc, lợi ích cá nhân.

Việc tu dưỡng, rèn luyện là một quá trình theo suốt cuộc đời của cán bộ, đảng viên. Thiếu sự tu dưỡng thường xuyên thì cán bộ lãnh đạo dù ở cấp nào, có quá trình cống hiến nhiều hay ít đều đánh mất uy tín, không thể đáp ứng trọng trách được tổ chức giao phó. Từ chức là cách để họ nhận về mình trách nhiệm trước sai phạm của đơn vị, của cán bộ cấp dưới.

Quy định số 41-QĐ/TW tạo cho cán bộ lãnh đạo các cấp cơ hội tự nguyện trả lại các chức vụ đang đảm nhiệm khi thấy mình không còn xứng đáng, thể hiện trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân.

Những cán bộ lãnh đạo các cấp, từ địa phương đến Trung ương bị xử lý kỷ luật, miễn nhiệm cũng như được cho thôi các chức vụ trong thời gian qua cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta thực sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Chính vì vậy mà tiến trình sàng lọc nhân sự đạt được sự đồng thuận cao trong Đảng và dư luận xã hội. Điều này cũng góp phần quan trọng để giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội của đất nước.

Các đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rằng việc siết chặt kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước là điều cần thiết đối với sự nghiệp chung của đất nước, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu phải được đề cao để nghĩa vụ xứng tầm với quyền hạn. Mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần được kiên trì thực hiện với quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan