KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 01/07/2024 - Lượt xem: 151
Sớm đưa luật, nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống

Sáng 29/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV hoàn thành chương trình làm việc và bế mạc kỳ họp thứ 7.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. (Ảnh Đăng Khoa)
Tham dự có: Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Điểm nhấn của công tác lập pháp
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao theo đúng quy định của pháp luật và nội quy kỳ họp, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 7 là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng từng nội dung của kỳ họp.
Nhờ vậy, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung kỳ họp, trong đó có những vấn đề gấp, khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm thông suốt, thận trọng, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội (toàn văn bài phát biểu bế mạc đăng số báo ra hôm nay).
Với 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 97,12% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội cũng thông qua nghị quyết kỳ họp với 460/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các đại biểu tại phiên bế mạc. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Nghị quyết kỳ họp thứ 7 nêu rõ: Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Nhiều quy định đổi mới, tiến bộ
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 29/6, với 404/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 83,13% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật, điều chỉnh hiệu lực của 4 luật, tuy nhiên, băn khoăn việc bảo đảm các điều kiện để có thể thi hành luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây; đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới. Nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.
Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã giải trình tại Báo cáo số 338/BC-CP ngày 24/6/2024 về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật để điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 346/BC-CP ngày 28/6/2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo Luật.
Trong Báo cáo số 346/BC-CP ngày 28/6/2024, Chính phủ cho rằng, phương án đề xuất để bảo đảm không có vướng mắc trong áp dụng pháp luật, đồng thời không gây ra cách hiểu khác nhau và khẳng định: “Sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc, không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm. Đồng thời, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các Luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi triển khai thi hành Luật”.
Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng
Cũng trong sáng qua, với 467/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,09% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2022 đã phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực; nhiều địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của chính sách.
Từ kết quả thực tiễn, Chính phủ đã trình và Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Tờ trình kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ và nội dung này được Quốc hội xem xét và thể hiện tại nghị quyết của Quốc hội về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua nhà, thuê mua nhà theo chính sách về nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch, ổn định đời sống và phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả cao và cần nghiên cứu, cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện. Theo quy định hiện hành, các chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nhà ở xã hội và cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được tiếp tục triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, một số chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hết thời gian thực hiện và kết thúc từ ngày 31/12/2023. Việc tiếp tục triển khai cần được đánh giá và có giải pháp tổng thể, hài hòa, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và khả năng đáp ứng của nguồn lực.
Các nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua gồm: Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giảm thuế giá trị gia tăng; thực hiện cải cách tiền lương…).
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan