Do Luật Công đoàn được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua nên có những quy định của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhấn mạnh việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: bố cục của dự thảo Luật; phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; các hành vi bị nghiêm cấm; các trường hợp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam.
Nhấn mạnh không để lợi dụng việc sử dụng dao nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, các đại biểu cho rằng hiện nay có hiện tượng thanh thiếu niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông), trong bối cảnh phương thức hoạt động tội phạm ngày càng phát sinh nhiều khía cạnh mới, thì pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cần được hoàn thiện, không ngừng hướng đến tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời, bảo đảm cân bằng, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân...
Sửa đổi các quy định không phù hợp đối với công tác cảnh vệ
Tại Hội trường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cho biết việc sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Do Luật Công đoàn được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua nên có những quy định của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp.
Sau Đại hội XII, XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị và hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nêu rõ: Dự thảo Luật đã cơ bản bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh. Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm kịp thời sửa đổi các quy định không phù hợp, khắc phục những thiếu sót của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi sửa đổi, bố cục của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật; đối tượng cảnh vệ (bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ); bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ.
Các đại biểu cũng đã thảo luận về việc bổ sung một số nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ; chế độ và biện pháp đối với đối tượng cảnh vệ; tổ chức của lực lượng cảnh vệ; chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; việc bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ; Giấy bảo vệ đặc biệt; về quy định giao Chính phủ quy định chi tiết chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và công tác cảnh vệ; kỹ thuật soạn thảo văn bản; thời điểm thông qua Luật, hiệu lực thi hành của Luật...
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Lê Nhật Thành phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Theo đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội), việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là rất cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đều thống nhất với tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thực hiện quy trình thông qua tại một kỳ họp bởi dự thảo Luật đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng; hồ sơ bảo đảm đầy đủ theo quy định./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn