Trích dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho biết, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương. Việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2023. Tuy nhiên, đến nay, mới có 3 địa phương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra nên thời gian không còn nhiều.
Để sớm ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không? Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra?.
 Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, trong Báo cáo của Chính phủ có nêu, sau 4 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, đổi mới đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành thì vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện; 1.405/9.694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ; có 5/6 đơn vị hành chính, chiếm 83,33% đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và 58/104 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp đều có nguyên nhân là phụ thuộc vào nguồn lực và khả năng cân đối ngân sách của các địa phương.
Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trên?
Việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư được giải quyết khá cơ bản
Trả lời về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư giai đoạn 2019 - 2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến thời điểm này, Bộ tổng hợp, đối với cán bộ, công chức cấp huyện còn dôi dư 58/706 (8,22%); số cán bộ công chức cấp xã dôi dư còn 1405/9614 người (14,49%).
“Giai đoạn qua, chúng ta sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó số dôi dư ở cấp xã lên tới trên 18.000 người, nhưng đến nay đã giải quyết được khá cơ bản” – Bộ trưởng nhìn nhận.
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đánh giá cao nhiều địa phương trong thời gian vừa qua rất nỗ lực để thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức, điển hình như Quảng Ninh, Thanh Hóa… Bên cạnh đó, còn một số địa phương, do số lượng đơn vị hành chính cấp xã còn lớn, nên việc sắp xếp dôi dư có những mặt khó khăn.
Để giải quyết tồn đọng của giai đoạn 2019 - 2021 cũng như chuẩn bị cho việc sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, ban hành rất nhiều các nghị định quan trọng trên tinh thần của Nghị quyết 35. Trong đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu ban hành Nghị quyết về giải quyết chính sách tinh giản biên chế, trong đó dành riêng một khoản rất rõ cho sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…
Nhấn mạnh số cán bộ dôi dư còn lại không nhiều, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các địa phương quan tâm tập trung giải quyết trên cơ sở những chính sách hiện có. “Hiện nay có tới 46/54 địa phương nằm trong diện sắp xếp hành chính, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của giai đoạn này đã có Nghị quyết của HĐND để hỗ trợ thêm. Như vậy cũng làm rất tốt” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị, các địa phương cần rà soát, xem xét công khai, dân chủ, công bằng để tiếp tục vận dụng các chính sách hiện có của Trung ương cũng như địa phương để giải quyết dứt điểm cán bộ, công chức dôi dư đến hết năm 2025.
Tập trung quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Về tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025, theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tiến hành tiếp nhận được 43 hồ sơ của 43/54 tỉnh nằm trong diện sắp xếp. Theo đó, đã hoàn thiện việc thẩm định được 32 bộ hồ sơ của các địa phương và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 bộ hồ sơ, hiện đang báo cáo Chính phủ 3 bộ hồ sơ; còn 10 địa phương chưa gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ để Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định.
“Tiến độ này có thể nói chúng ta nhìn thấy trước mắt là đang rất khó khăn” - Bộ trưởng nói, đồng thời cho biết, đến nay tất cả các hồ sơ còn vướng mắc cơ bản xoay quanh vấn đề quy hoạch và phân loại đô thị.
Cho rằng việc này có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan nhưng đồng thời có trách nhiệm của các địa phương, Bộ trưởng lấy ví dụ, tỉnh Nam Định thực hiện mở rộng không gian thành phố rất lớn, sắp xếp 77 đơn vị hành chính cấp xã để còn lại 51 đơn vị hành chính cấp xã mà hiện nay vẫn đang làm rất tốt. Bộ trưởng cho rằng: “Nếu như địa phương nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao, tập trung quyết liệt cho việc này thì chúng ta có thể thực hiện được”.
Theo Bộ trưởng, tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quy hoạch đô thị cũng như phân loại đơn vị hành chính đô thị. Song Bộ trưởng nhấn mạnh lại, “các địa phương cần cố gắng để tập trung cao cùng với Bộ Nội vụ để hoàn thành được nhiệm vụ này”./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/