Sự phát triển mạnh mẽ của hình thức livestream bán hàng tạo ra những thách thức mới trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu và hàng kém chất lượng.
Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đã phát triển nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. (Ảnh: Vietnam+)
Thương mại điện tử và hình thức bán hàng qua livestream đang trở thành xu hướng mua sắm phổ biến trong đời sống hiện đại.
Các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng thu hút hàng triệu người tiêu dùng với đa dạng mặt hàng từ thời trang, mỹ phẩm, đến đồ gia dụng.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh này cũng tạo ra những thách thức mới trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu và hàng kém chất lượng.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết Đội Quản lý thị trường số 2 đã bàn hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tigon (địa chỉ: số 699, khóm Đông Thuận, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh).Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Tigon đang sử dụng website thương mại điện tử để bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng.
Với vi phạm trên trên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tigon với số tiền xử phạt là 30 triệu đồng.
Trong một diễn biến khác, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 hộ kinh doanh có hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm về nhãn, với tổng số tiền gần 60 triệu đồng.
Cụ thể, sau quá trình kiểm tra, các hộ kinh doanh này đã có hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; kinh doanh hàng hóa hàng có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Hàng hóa vi phạm là túi xách, giày, quần áo có tổng giá trị 460 triệu đồng.
Với hành vi vi phạm nêu trên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long ban hành 4 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 hộ kinh doanh nói trên với số tiền gần 60 triệu đồng và buộc thu hồi hàng hóa, buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.
Tương tự, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, triển khai kế hoạch tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, Tổ công tác về Thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiến hành thẩm tra, xác minh theo dõi hoạt động bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok… của một số tài khoản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi thẩm tra, xác minh, xác định thông tin, Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện tài khoản Facebook cá nhân tên "Định… " đăng bài bán hàng là sản phẩm kính điện thoại và màn hình điện thoại di động các loại do nước ngoài sản xuất, thông tin về sản phẩm đăng bài cho thấy hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Cùng đó, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Phạm Văn Định (địa chỉ thôn Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh Phạm Văn Định đang kinh doanh, bày bán hàng hóa tại Cửa hàng Định Oanh và thực hiện đăng bài bán hàng sản phẩm màn hình điện thoại di động trên trang Facebook của ông Phạm Văn Định (Facebook Định…).
Nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được phát hiện tại một cơ sở livestream bán hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hàng hóa đang kinh doanh và lưu kho gồm 6.000 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu HOCO; 1.810 chiếc màn hình điện thoại; 3.750 chiếc kính điện thoại di động Made in China. Tổng trị giá hàng hóa gần 150 triệu đồng.
Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất (trên sản phẩm in dòng chữ Made in China), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Vụ việc hiện đang hoàn tất thủ tục trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Theo ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều khó khăn.
Các đối tượng vi phạm thường dùng nhiều thủ đoạn để lách luật, chẳng hạn như lập nhiều tài khoản trên các nền tảng khác nhau, sử dụng hình ảnh của sản phẩm chính hãng để quảng bá, nhưng bán hàng giả với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường.
“Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng các phương pháp tinh vi như thay đổi tên thương hiệu khi đăng bán. Ví dụ, thay vì ghi tên thương hiệu nổi tiếng như "Dior" hay "Gucci" sẽ biến tấu thành "D.I.O.R" hay "Gu.ci" để tránh bị các sàn lọc kỹ thuật phát hiện,” ông Dương Mạnh Hùng thông tin.
Ngoài ra, nhiều người bán hàng không công khai địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách hàng chỉ có thể chốt đơn qua tin nhắn riêng (inbox), điều này gây khó khăn lớn trong việc theo dõi và kiểm soát.
Các đối tượng thường xuyên chuyển địa điểm tập kết hàng hóa, sử dụng nhiều địa chỉ khác nhau để giao dịch, tạo ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý.
Để đối phó với tình trạng này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đề ra nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lộng hành của hàng giả, hàng lậu trên các sàn thương mại điện tử.
“Cục Quản lý thị trường Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành điều tra, nắm bắt tình hình thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, và diễn biến thị trường. Điều này giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm,” ông Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Quản lý thị trường Hà Nội cũng tập trung giám sát các mặt hàng cấm, hàng lậu và hàng giả mạo không rõ nguồn gốc. Các hành vi kinh doanh vi phạm thường diễn ra trực tuyến, do đó, công tác giám sát cũng mở rộng tới các hoạt động livestream và các kênh bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube.
Đặc biệt, để tăng cường hiệu quả, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan quản lý liên quan như Sở Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), cùng công an thành phố, quận, huyện để kiểm soát và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, Cục còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử. Bằng việc kết hợp kiểm tra với tuyên truyền, hy vọng sẽ giúp các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm hơn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường thương mại điện tử lành mạnh và minh bạch hơn.
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết những tháng cuối năm, Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra các "điểm nóng" về gian lận thương mại, đồng thời chú trọng tới việc ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đây là một trong những lĩnh vực đang gây ra nhiều lo ngại do tính chất khó kiểm soát và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch trực tuyến.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng để việc đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên các nền tảng thương mại điện tử đạt được hiệu quả cao, lực lượng quản lý thị trường cần được đào tạo thêm để có thể phát hiện, nhận diện được ngay các sản phẩm vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, vai trò của các chủ sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp nền tảng kinh doanh cần được thể hiện rõ hơn, còn hiện nay chủ yếu mới chỉ là theo dõi đơn hàng.
Một vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng nữa là việc khiếu nại với sàn thương mại điện tử cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm.
Do đó, nếu các sàn thương mại điện tử làm tốt hơn khâu này sẽ đảm bảo tiêu chí vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chung tay chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đẩy lùi vấn nạn này trên môi trường truyền thống và cả không gian thương mại điện tử; đồng thời kết hợp với các cơ quan chức năng trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả hàng nhái; kết hợp hiệp hội, cơ quan báo chí để xử lý và ngăn chặn những vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/