KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 08/11/2023 - Lượt xem: 2720
Thành phố Hưng Yên vào vụ thu hoạch củ niễng

Từ cuối tháng 10 đến tháng 11 hằng năm, khi tiết trời bắt đầu se lạnh cũng là vào vụ thu hoạch củ niễng. Đây là thời điểm nhiều người “sành ăn” tìm mua loại củ dân dã này về chế biến thành những món ăn ngon miệng, bổ dưỡng cho sức khỏe.
Niễng là loại cây thân cao 1-2m, phần dưới gốc to xốp. Thân cây thường bị một giống nấm ký sinh, làm phần thân đó phồng lên. Chứa nhiều chất dinh dưỡng như: Kẽm, vitamin A, B1, B2,... theo Đông y, củ niễng có tác dụng phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thanh nhiệt, giải độc, tốt cho tim mạch … 
Trước kia, cây niễng thường mọc hoang ở nơi có nhiều bùn như ao, hồ, đầm lầy hoặc những bãi bồi ven sông. Ngày nay, củ niễng trở thành loại đặc sản thơm ngon, hấp dẫn. Mỗi năm chỉ có một vụ, có thị trường tiêu thụ thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người trồng, vì vậy, tại một số địa phương ở thành phố Hưng Yên, người dân luôn chú trọng phát triển kinh tế từ trồng niễng. 
Người dân khu phố Phương Độ, phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên) thu hoạch củ niễng
Tại thành phố Hưng Yên, hiện nay, diện tích trồng niễng đạt khoảng 13 héc-ta, tập trung tại phường Hồng Châu và các xã như: Liên Phương, Hồng Nam, Quảng Châu… 
Phường Hồng Châu là địa phương có truyền thống trồng cây niễng với diện tích 8,5 héc-ta, tập trung tại khu phố Phương Độ với 153 hộ canh tác. Theo chia sẻ của các hộ trồng niễng lâu năm tại đây, loại cây này có hai giống, củ trắng và củ tím. Giống niễng được trồng ở phường Hồng Châu là loại củ trắng với đặc trưng là xốp, mềm, giàu chất đạm, nhiều tinh bột… Cây niễng thường được trồng vào đầu năm, đến khoảng giữa tháng 9 âm lịch cho thu hoạch. Do phù hợp với đặc trưng thổ nhưỡng nơi đây nên cây niễng sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng củ thơm ngon, bùi ngậy hơn những nơi khác nên giá bán cũng cao hơn. Trung bình, mỗi sào trồng niễng có thể mang lại thu nhập 5 - 6 triệu đồng/năm, cao gấp 3 - 5 lần so với cấy lúa. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Vì vậy, niễng trở thành cây trồng giúp nâng cao thu nhập của nhiều nông dân ở phường Hồng Châu. 
Là một người trồng niễng có kinh nghiệm lâu năm, ông Trần Văn Hiển ở khu phố Phương Độ, phường Hồng Châu cho biết: Gia đình tôi trồng niễng từ hơn chục năm nay. Trồng loại cây này không phải lo tiền giống vì khi thu hoạch tôi lấy phần gốc tiếp tục nhân giống để vụ xuân (khoảng tháng 2 âm lịch) năm sau trồng lại. Với ưu điểm là không mất nhiều công chăm sóc, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tốn ít phân bón… nên tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện nay, với giá bán từ 17.000 đến 25.000 đồng/10 củ, với 1 mẫu trồng niễng, năm nay, gia đình tôi ước tính thu lãi trên 40 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Ngoãn là một trong những hộ trồng niễng nhiều nhất của xã Hồng Nam với diện tích 1 mẫu. Thời gian này, ngày nào các thành viên trong gia đình cũng có mặt tại ruộng để thu hoạch niễng. Anh Ngoãn cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khiến năng suất và chất lượng củ kém hơn năm trước. Tuy nhiên, giá bán vẫn tương đối ổn định nên ước tính cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/mẫu.
Là loại đặc sản “sạch”, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên củ niễng được người tiêu dùng ưa chuộng. Vào mùa, nhiều bà nội trợ tìm mua củ niễng về chế biến thành những món ăn ngon cho gia đình, hay làm món quà dân dã biếu người thân, bạn bè. Thời điểm này, dạo quanh các khu chợ dân sinh trong tỉnh, dễ dàng bắt gặp những sạp hàng rau củ, những gánh hàng rong bày bán những củ niễng mập mạp, trắng nõn. 
Đồng chí Vũ Văn An, Trưởng khu phố, Bí thư chi bộ khu phố Phương Độ, phường Hồng Châu cho biết: Niễng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người dân địa phương. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, củ niễng còn được xuất bán cho thương lái tại nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Do đó, ngoài việc khuyến khích, động viên người dân mở rộng thêm diện tích trồng ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng thu nhập, chúng tôi mong muốn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương trong việc nghiên cứu chuyên sâu về cây niễng để có thể phát triển sản xuất quy mô lớn; ứng dụng công nghệ chế biến nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, quảng bá cho sản phẩm đặc trưng của địa phương…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan