KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 01/09/2024 - Lượt xem: 211
Thị trường nông sản tuần qua: Xuất khẩu gạo của cả nước đạt 6,16 triệu tấn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong 8 tháng, gạo xuất khẩu đạt gần 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%.

Đóng gói gạo xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giá nhiều loại lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua giữ ổn định so với tuần trước. Cùng với đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng không có sự biến động.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 8 tháng, gạo xuất khẩu đạt gần 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hầu hết các loại lúa có giá ổn định so với tuần trước như: Đài thơm 8 có giá từ 8.500-8.600 đồng/kg, OM 5451 từ 8.200-8.400 đồng/kg, OM 18 từ 8.500-8.600 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.800-8.000 đồng/kg.

Thu hoạch lúa Đông Xuân ở Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/ TTXVN)

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000- 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.000 đồng/kg.

Về xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết gạo 5% tấm được chào bán ở mức 578 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Theo một thương nhân ở An Giang, hoạt động giao dịch đang thưa thớt khi thị trường bước vào kỳ nghỉ dài nhân dịp lễ Quốc khánh. Ngoài ra, các thương nhân cũng đang chờ kết quả đấu thầu từ cơ quan mua sắm nhà nước Indonesia Bulog, có thể sẽ được công bố vào ngày 5/9.

Tuần trước, cơ quan này đã thực hiện một cuộc đấu thầu quốc tế để mua khoảng 350.000 tấn gạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 8 tháng, gạo xuất khẩu đạt gần 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt gần 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%.

Giá xuất khẩu gạo bình quân 8 tháng đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8%.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong hai tháng do đồng baht mạnh lên, trong khi lũ lụt ở Bangladesh làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 580 USD/tấn, tăng từ mức 570 USD trong tuần trước, do đồng baht tăng giá.

Trong khi đó, giá gạo ở Bangladesh vẫn ở mức cao và có thể tăng hơn nữa do tình hình lũ lụt được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và nguồn cung trên toàn quốc.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 540-545 USD/tấn, cũng không thay đổi so với tuần trước. Một đại lý ở New Delhi của một công ty thương mại toàn cầu cho biết vài tháng trước, gạo Ấn Độ rẻ hơn đáng kể so với gạo từ các nước khác, nhưng giờ đây mức chênh lệch này chỉ còn 10-30 USD/tấn, và người mua đang tìm kiếm các lựa chọn khác.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá lúa mỳ trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng trong phiên giao dịch ngày 30/8, qua đó khép lại tuần vừa qua với mức tăng lớn nhất trong hơn ba tháng do tâm lý lo ngại về sản lượng sụt giảm ở châu Âu.

Trong khi đó, giá đậu tương tăng lên mức cao nhất trong ba tuần và giá ngô tăng nhẹ khi nhu cầu đối với các loại ngũ cốc này đi lên.

Giá lúa mỳ đóng cửa phiên 30/8 tăng 2,75 xu Mỹ lên 5,515 USD/bushel, còn giá ngô tăng 5 xu Mỹ lên 4,01 USD/bushel. Giá đậu tương cũng tăng thêm 7,5 xu Mỹ lên 10 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Tính chung cả tuần, giá lúa mỳ tăng hơn 4%, mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 5/2024. Trong khi đó, giá đậu tương tăng gần 3%, mức tăng theo tuần lớn nhất trong bốn tháng, còn ngô chứng kiến tuần tăng giá đầu tiên trong 5 tuần qua.

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã hạ ước tính sản lượng lúa mỳ tại Liên minh châu Âu (EU) trong niên vụ 2024/2025 từ mức 120,8 triệu tấn được dự báo một tháng trước đó xuống còn 116,1 triệu tấn, mức thấp nhất trong bốn năm qua.

Thị trường đã bày tỏ lo ngại rằng thời tiết nóng, khô gần đây ở khu vực Trung Tây sẽ làm giảm dự báo về sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ. Tuy nhiên, lượng mưa và các dự báo thời tiết ôn hòa hơn đã xoa dịu những lo ngại này.

Lượng ngô và đậu tương xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 22/8 đã vượt quá dự báo của giới phân tích.Về thị trường càphê thế giới, theo dữ liệu mới nhất, giá càphê thế giới vụt tăng trên cả hai sàn giao dịch.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk) thu hoạch càphê. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trên sàn ICE Futures Europe, giá càphê robusta giao tháng 9/2024 tăng 2,96% lên 5.046 USD/tấn, còn giá càphê Robusta giao tháng 11/2024 tăng 2,30% lên 4.800 USD/tấn.

Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá càphê Arabica giao tháng 9/2024 tăng 0,93%, lên 249,90 xu Mỹ/lb, còn giá càphê arabica giao tháng 12/2024 tăng 1% lên 247,65 xu Mỹ/lb. (1 lb = 0,4535 kg).

Một trong những lý do dẫn đến hiện tượng tăng giá trên là tin tức về tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil, khiến thị trường lo lắng về sản lượng vụ thu hoạch tới của nước này.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá càphê hôm nay quay đầu giảm đồng loạt 400 đồng/kg, qua đó đưa giá càphê trung bình hiện ở quanh mốc 121.300 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên.

Trong tháng 8/2024, giá thu mua càphê nội địa đã giảm 2.100 đồng/kg, tương đương 1,7%. Nhưng thị trường nội địa vẫn được đánh giá khá ổn định nếu so với mức tăng lần lượt tới 19,5% và 9,3% của giá càphê robusta và arabica thế giới từ đầu tháng đến nay./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan