Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị phát huy tốt thế và lực mới của đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Ngày 18/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương."
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam," công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Nổi bật là củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời huy động nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương. Quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, bám sát Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội của đất nước và các định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, công tác đối ngoại địa phương được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, nhiều mặt đã được đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Với sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan trung ương, các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển. Ngoại giao kinh tế của hầu hết các địa phương đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Trong 3 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế; riêng xuất khẩu của 5 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng năm 2023 đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm.
Ngoại giao văn hóa ở các địa phương tiếp tục khởi sắc với 13 danh hiệu được UNESCO công nhận trong 3 năm qua và còn nhiều hồ sơ di sản đang được UNESCO xem xét. Kết nối địa phương với đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng sâu rộng, chặt chẽ hơn, thiết thực phục vụ phát triển địa phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm của các địa phương. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, những kết quả quan trọng này có được là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan đối ngoại và ngoại vụ địa phương.
Phấn khởi trước những kết quả quan trọng đã đạt được song Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lưu ý toàn ngành ngoại giao không thỏa mãn, chủ quan bởi tình hình quốc tế đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới và nặng nề hơn về đối ngoại, trong đó có đối ngoại địa phương.
“Đất nước ta đang nỗ lực với quyết tâm cao thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, song kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Bối cảnh đó đòi hỏi quyết tâm, ý chí và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, trong đó có các địa phương," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII; phát huy tốt thế và lực mới của đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản; phát triển đối ngoại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.
Trong phiên khai mạc, Hội nghị đã nghe báo cáo trung tâm do Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu trình bày; các tham luận của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam.
Sau phiên khai mạc, Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21 diễn ra trong cả ngày với Phiên đối nội vào buổi sáng với các phần thảo luận theo chủ đề "Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới," "Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương."
Phiên đối ngoại diễn ra vào buổi chiều với sự tham gia của các đoàn ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp tiêu biểu, thảo luận theo chủ đề "Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu Phát triển Xanh và bền vững của địa phương"./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn