Sáng 8/7, triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu với hoạt động của Ban Chỉ đạo là "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát tình hình của các đại biểu, công tác chuẩn bị của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan.
Thủ tướng nêu rõ phiên họp nhằm đánh giá tình hình, xác định yêu cầu, mục tiêu, thống nhất các quan điểm, nguyên tắc và phạm vi, nội dung rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu với hoạt động của Ban Chỉ đạo là "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả"; phải sớm thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm các thành viên đủ năng lực, trình độ, tâm huyết là cán bộ cấp vụ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm tổ trưởng.
Việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 – 2024, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 về Phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/6/2024 về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2024, trong đó yêu cầu nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các vướng mắc trong các quy định pháp lý.
Cơ sở thực tiễn là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khi tình hình thay đổi rất nhanh, nhiều vấn đề mới phát sinh, chưa dự báo được, chưa có quy định điều chỉnh hoặc có những vấn đề đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu là góp phần khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, bệnh trì trệ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và các mục tiêu lớn theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Quan điểm, nguyên tắc triển khai công việc là tập trung có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì đưa vào luật, tiếp tục thực hiện, đối với những vấn đề mới, chưa có quy định hoặc quy định đã vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phạm vi rà soát gồm một số luật cần sửa đổi mang tính chất cấp bách nhất để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cản trở, điểm nghẽn; các luật đã có lộ trình sửa đổi tới năm 2025; luật do bộ, ngành nào chủ trì xây dựng thì bộ, ngành đó chủ trì theo dõi, rà soát, đề xuất; đồng thời tham khảo ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.
Nội dung rà soát, sửa đổi tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, các bộ, ngành Trung ương tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước (xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giam sát, khen thưởng, kỷ luật), không làm các công việc cụ thể; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc; xóa bỏ xin cho, chống phiền hà, sách nhiễu… cho người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác, trong đó có đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng chỉ rõ, sau khi rà soát thì đề xuất xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc, trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Nhân dịp này, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế trong phạm vi quản lý; đồng thời bố trí cán bộ pháp chế đủ năng lực, trình độ, nhiệt huyết, đam mê với công việc và quan tâm chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/