KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Đăng ngày: 06/05/2025 - Lượt xem: 15
Thượng tôn pháp luật để đất nước vươn mình

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật góp phần đạt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong bài viết ngày 4/5/2025 với tiêu đề "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình,” Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, chúng ta phải giải quyết nhiều việc, trong đó, một nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển.

Từ năm 1945 đến nay, tại Việt Nam đã hình thành một hệ thống pháp luật khá đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận.

Song theo lời của đồng chí Tổng Bí thư, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư.

Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà. Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu. Chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Nhằm đổi mới căn bản lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật, ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới."

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, một trong những giải pháp cơ bản được đồng chí Tổng Bí thư đưa ra là tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật - tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, việc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.

Trong bất kỳ một xã hội nào việc tuân thủ pháp luật đều được coi là nền tảng để xây dựng một cộng đồng vững mạnh, công bằng và phát triển. Tuân thủ pháp luật không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của toàn bộ xã hội.

Tuân thủ pháp luật được định nghĩa là “giữ và làm đúng quy phạm do Nhà nước ban hành có hiệu lực nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ trật tự xã hội” (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, Viện ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Trong số đó, pháp luật là những quy định, quy tắc ứng xử do Nhà nước ban hành, mọi công dân buộc phải tuân theo, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ trật tự xã hội.

Ở một mức cao hơn là việc tuân thủ pháp luật chủ yếu được quyết định bởi ý thức pháp luật. Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật, thể hiện mối quan hệ giữa con người đối với pháp luật và sự đánh giá về mức độ công bằng, bình đẳng; tính hợp pháp hay không hợp pháp... đối với các hành vi, lợi ích hoặc quan hệ từ thực tiễn đời sống pháp lý và xã hội.

Ý thức pháp luật luôn chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố như nền tảng kinh tế, kết cấu xã hội, tương quan so sánh lực lượng, quan điểm, tư tưởng của lực lượng cầm quyền, xu thế thời đại.

Trong đời sống pháp lý, ý thức pháp luật là nhân tố đóng vai trò quyết định chi phối trực tiếp đến tính chất, hiệu quả thực tế của các hoạt động pháp lý.Nói cách khác, khi ý thức pháp luật đạt một trình độ nhất định thì việc tuân thủ pháp luật được nâng tầm lên “văn hóa tuân thủ pháp luật.”

Thuật ngữ “văn hóa tuân thủ pháp luật” được nhắc đến sớm nhất trong Thông báo số 108-KL/TW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp: "Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành tư pháp."

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), giải nghĩa: Văn hóa tuân thủ pháp luật được hiểu là "thói quen, lối sống, giá trị, chuẩn mực, niềm tin và hành vi được hình thành, duy trì và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng, thể hiện thái độ tích cực và ý thức tự giác, chủ động của cá nhân, tổ chức trong thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật, đồng thời không thực hiện những điều mà pháp luật cấm."

Tại một hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/4/2025, có 5 tiêu chí đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật được đưa ra là: kiến thức - động cơ - kỹ năng thực hiện pháp luật - khả năng vận dụng pháp luật - khả năng kiểm soát.

Cũng tại buổi hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tất Viễn, Trưởng khoa Luật (Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn), nêu ý kiến: Văn hóa tuân thủ pháp luật được nhận diện bằng ba dấu hiệu nổi bật: tư duy tuân thủ pháp luật; hành vi phù hợp chuẩn mực pháp lý, đạo đức; kết quả là sản phẩm của tư duy và hành vi hợp pháp.

Cán bộ chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Long Xuyên kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Đoan (Trường Đại học Luật Hà Nội), để đưa việc tuân thủ pháp luật trở thành giá trị văn hóa thì nước ta cần một chiến lược gắn kết, lấy con người làm trung tâm, cần một lộ trình tổng thể, từ thay đổi nhận thức đến hành động cụ thể, để pháp luật trở thành niềm tự hào của mỗi người dân.

Văn hóa tuân thủ pháp luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chất lượng hệ thống pháp luật; ý thức của người dân về thực thi pháp luật, sự am hiểu cần thiết để thi hành pháp luật, chế tài phải răn đe đối với việc vi phạm pháp luật; quá trình tổ chức, giám sát tuân thủ pháp luật.

Để nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật thì phải xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo môi trường thuận lợi để pháp luật đi vào cuộc sống; xây dựng chiến lược phát triển pháp luật gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực của cơ quan lập pháp; tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với công tác xây dựng các dự án luật; nâng cao chất lượng, năng lực của các cơ quan pháp chế ở bộ, ngành trong việc ban hành văn bản pháp quy.

Các cơ quan thực thi pháp luật phải tổ chức thực thi, tuân thủ một cách nghiêm túc và triệt để. Còn người dân thì cần được nâng cao nhận thức về pháp luật thông qua việc đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến.

Đồng chí Tổng Bí thư kỳ vọng rằng việc xây dựng thành công “văn hóa tuân thủ pháp luật” cũng như quá trình đột phá pháp luật sẽ góp phần để Việt Nam đạt được các mục tiêu quan trọng: Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật.

Năm 2027, hoàn thành hệ thống pháp luật đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp.

Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Đến năm 2045, có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan