Dù là Tổng Bí thư, lãnh đạo cao nhất của đất nước, trước mái trường, thầy cô giáo cũ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn khiêm nhường nhận mình chỉ là cậu học trò nhỏ năm xưa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gặp Đoàn đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Hà Tĩnh ra thăm Hà Nội, 28/6/2010. (Ảnh: Trí Dũng/ TTXVN)
Không chỉ là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là tấm gương lớn về tinh thần tôn sư trọng đạo khi dù bận trăm công nghìn việc vẫn viết thư tay thăm hỏi, chúc mừng cô giáo cũ mỗi dịp lễ, Tết hay dành thời gian về thăm trường cũ.
Dù đã về cõi vĩnh hằng nhưng giá trị nhân văn Tổng Bí thư để lại ngay trong từng lời nói, từng hành động nhỏ vẫn còn soi sáng mãi.
Vẫn là cậu học trò nhỏ khiêm nhường
Từ chiều qua, 19/7, khi thông tin chính thức về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố, nhà giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An lòng buồn trĩu nặng, như vừa mất một người thân.
Dành từ “Cụ” để nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thầy Hiếu xúc động bảo dù chưa từng có vinh dự được gặp gỡ, trò chuyện “nhưng với tôi, danh từ đó đã hàm ẩn rất nhiều sự tôn kính.”
“Trong bối cảnh đất nước nhiều khó khăn, tình hình chính trị và cục diện thế giới phức tạp, khó lường, Cụ đã thể hiện trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh của một Tổng Bí thư, có nhiều chủ trương quyết sách đúng đắn đưa đất nước từng bước vượt qua nhiều thách thức để hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa. Tôi đã ứa nước mắt và thấy lòng mình như quặn thắt khi nghe Cụ nói về lý tưởng sống, làm việc và cống hiến mà Cụ theo đuổi, đó là dấn thân và kiên định phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, như nhân vật Pavel trong tác phẩm 'Thép đã tôi thế đấy' từng nói. Những năm tháng cuối đời, dù tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, Cụ vẫn tận tâm, tận hiến cho Tổ quốc,” thầy Hiếu xúc động nói.
Cũng theo thầy Hiếu, là một nhà giáo đang giảng dạy bậc phổ thông, trong thời kỳ mà đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đạo nghĩa thầy trò đang dần phai nhạt và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, những tình cảm, hành động mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho thầy cô giáo cũ là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ về tinh thần “tôn sư trọng đạo”.
Tinh thần ấy thể hiện ngay trong từng hành động nhỏ, như những lá thư tay thăm hỏi mà người lãnh đạo cao nhất đất nước, dù bận trong công nghìn việc, vẫn nhớ gửi đến cô giáo cũ năm xưa Đặng Thị Phúc, người đã dạy học năm lớp 4. Trong bức thư, không có chức danh hay dấu ấn nào của một Tổng Bí thư, chỉ có nét chữ của trò Trọng - học trò cũ của cô với lời tri ân tha thiết: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo”.
Bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cô Đặng Thị Phúc. (Ảnh: Zing.vn)
“Tôi rất xúc động và cảm kích. Điều giản dị nhưng cao quý, thiêng liêng mà không nhiều người học trò cũ khi đã trở thành lãnh đạo cao cấp làm được. Trước cô giáo cũ, Cụ vẫn giữ lễ, chỉ là người học trò nhỏ bé năm xưa. Đó là một nhân cách lớn,” thầy Hiếu chia sẻ.
Không chỉ với thầy cô giáo cũ, trước mái trường năm xưa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn khiêm nhường coi mình chỉ là người học trò nhỏ đã nhờ được dìu dắt mà lớn lên, trưởng thành. Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều vẫn nhớ như in giây phút xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để mời ông về dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường, năm 2020.
“Tôi đã lặng người đi vì xúc động khi Tổng Bí thư chào mình bằng ‘thầy’, xưng ‘em’, dù so về tuổi tác, tôi chỉ là con, cháu. Và suốt buổi trò chuyện kéo dài chừng 45 phút, Tổng Bí thư vẫn giữ cách xưng hô ấy. Dù bận rộn việc Đảng, việc nước, Tổng Bí thư vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về thăm lại trường xưa, gặp lại bạn bè, thầy cô giáo cũ,” thầy Kiên xúc động kể.
“Ngôi đền thiêng của giáo dục”
Tiến sỹ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn nhớ kỷ niệm sâu sắc mà ông không thể nào quên khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Trong buổi gặp gỡ, Tổng Bí thư nói: ‘Hôm nay tôi rất vinh dự đến đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo - ngôi đền thiêng của giáo dục.’ Những lời nói ấy không chỉ thể hiện sự tôn trọng của Tổng Bí thư đối với ngành giáo dục mà còn khiến chúng tôi, những công chức thuộc Bộ, vô cùng cảm động và ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình. Tôi nhận ra rằng, mỗi người đều có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ ‘ngôi đền thiêng’ này vì sự nghiệp ‘trồng người’ của đất nước,” Tiến sỹ Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn