Tai nạn, thương tích (TNTT) ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Vào mùa hè, khi học sinh được nghỉ học, nguy cơ trẻ em xảy ra TNTT càng tăng cao. Ðể kỳ nghỉ hè của các em bổ ích, an toàn, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường cùng phụ huynh chủ động trang bị các kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng tránh các rủi ro tai nạn có thể xảy ra.
Tại Trường THCS Dị Chế, xã Dị Chế (Tiên Lữ), nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống TNTT cho các em học sinh được ban giám hiệu nhà trường quan tâm ngay từ đầu năm học. Hiệu trưởng nhà trường Vũ Văn Vệ cho biết: Trường sắp xếp lịch dạy kỹ năng cho học sinh vào một số buổi đan xen các tiết dạy chính khóa giúp học sinh giảm bớt căng thẳng trong học tập; lồng ghép trong những buổi sinh hoạt và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhà trường yêu cầu giáo viên cập nhật thường xuyên những thông tin về tình hình TNTT trong và ngoài tỉnh để tuyên truyền, nhắc nhở học sinh. Trước kỳ nghỉ hè, tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết không tự ý đi bơi khi không có người lớn đi cùng. Ngoài ra, trường phối hợp với ngành chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn học sinh kiến thức tham gia giao thông an toàn...
Học sinh Trường THCS Dị Chế (Tiên Lữ) tham gia hội thi học sinh với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em năm 2024
Em Phạm Thị Thu Hà, học sinh lớp 8A, Trường THCS Dị Chế cho biết: Tham gia các buổi tuyên truyền, em biết được nguyên nhân gây ra TNTT, thao tác sử dụng những thiết bị bảo hộ an toàn, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu… từ đó biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác...
Trước kỳ nghỉ hè, Liên đội Trường THCS thị trấn Văn Giang (Văn Giang) tổ chức chương trình ngoại khoá tuyên truyền phòng, chống TNTT cho học sinh toàn trường. Cô giáo Trần Thị Hải Hoài cho biết: TNTT rất dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên vì các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Các TNTT thường gặp như ngã, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước… Vì vậy, chúng tôi luôn xác định phòng, chống TNTT là nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục học sinh. Ngoài những hướng dẫn trực tiếp, chúng tôi ưu tiên truyền đạt bằng âm thanh, hình ảnh minh hoạ sinh động cùng các tình huống thực tế giúp các em dễ tiếp thu.
Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị TNTT, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%...
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, toàn tỉnh có gần 100 trẻ bị TNTT, trong đó có 40 trẻ tử vong, chủ yếu do các nguyên nhân như đuối nước, tai nạn giao thông, cháy… Đồng chí Nguyễn Phúc Hiến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường học trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT cho học sinh, hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè. Từ tháng 3 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức truyền thông về kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống cháy, bỏng, đuối nước, điện giật và kỹ năng cứu nạn, cứu hộ cho trẻ em trong cơ sở giáo dục đến hơn 1.500 cán bộ, giáo viên và học sinh tại huyện Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên; tổ chức các hội thi học sinh với công tác phòng, chống TNTT trẻ em nhằm góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống TNTT cho các em.
Cùng với ngành chức năng và chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh ngày một hiểu hơn về tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống, trong đó có nhóm kỹ năng phòng, tránh nguy hiểm và chủ động sắp xếp cho con em mình tham gia các lớp học kỹ năng như: bơi lội, học kỳ quân đội, võ thuật… Chị Đặng Thị Hạnh ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết: Kỳ nghỉ hè năm nay, gia đình tôi dự định đăng ký cho 2 con tham gia khoá học bơi cơ bản. Tôi mong muốn các con được rèn luyện thể thao, tăng cường sức khoẻ, nhất là trang bị những kỹ năng bơi lội, phòng, chống tai nạn đuối nước.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, trường học trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, mỗi gia đình cần quan tâm, giám sát, nhắc nhở con em mình về những nguy cơ có thể gây nguy hiểm, từ đó phòng, tránh các vụ việc TNTT đau lòng có thể xảy ra.
Nguồn: https://baohungyen.vn