Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành nền đối ngoại, ngoại giao độc đáo, đậm truyền thống, bản sắc dân tộc: đề cao hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị, trọng lẽ phải, đấu tranh vì chính nghĩa, tinh tế, uyển chuyển, nhân ái, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, gìn giữ nền độc lập, bảo vệ bờ cõi đất nước. Truyền thống đó được ông cha ta đúc kết thành những tư tưởng như: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”; Dập tắt chiến tranh cho muôn đời; Để mở nền thái bình muôn thuở.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nền đối ngoại, ngoại giao cách mạng được hình thành. Kế thừa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và định hướng cho sự phát triển nền đối ngoại, ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là nền tảng, kim chỉ nam để Đảng ta lãnh đạo công tác đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Đó là đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia-dân tộc; phát huy nội lực, khai thác và tranh thủ ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao.
Đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”(1); “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(2); kiên định về nguyên tắc, mục tiêu, linh hoạt, khôn khéo về sách lược được thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Về đối ngoại đảng, đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính... Về ngoại giao nhà nước, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 5 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Về đối ngoại đảng, đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính... Về ngoại giao nhà nước, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 5 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, chủ động và đóng góp đầy trách nhiệm với tất cả các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Việt Nam được đánh giá cao trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khá và được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Về đối ngoại nhân dân, các đoàn thể, tổ chức nhân dân của ta có quan hệ hợp tác, hữu nghị với hơn 1.200 tổ chức, đối tác nước ngoài; hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, hiếu khách với nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc, luôn được lan tỏa tới bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3).
Thành tựu của công tác đối ngoại Việt Nam những năm qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó nhân tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và triển khai đường lối đối ngoại, ngoại giao; giúp các ban, bộ, ngành, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chính quyền địa phương, các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao, người Việt Nam ở trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Năm 2022, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức biên tập, xuất bản cuốn sách Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và khẳng định với bạn bè quốc tế về con đường mà Đảng ta, nhân dân ta quyết tâm xây dựng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Để cụ thể hóa những luận điểm, minh chứng rõ nét hơn bằng những thành tựu trong công cuộc đổi mới, định hướng xây dựng và phát triển đất nước, Nhà xuất bản đã hoàn thành, biên tập, xuất bản các cuốn sách của Tổng Bí thư, có tính chuyên đề về những vấn đề trọng đại của đất nước: 1- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; 2- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới; 3- Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 4- Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc;…
Việc xuất bản và ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một đóng góp to lớn nữa, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Cuốn sách thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; là minh chứng cho bước trưởng thành, phát triển về tư duy và thành tựu của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Nội dung cuốn sách gồm ba phần:
Phần thứ nhất: Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, hội nghị đối ngoại toàn quốc. Các bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu của đối ngoại, ngoại giao đã “góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đất nước ta”, nhờ đó “vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế”, Tổng Bí thư chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, có vị trí địa chiến lược quan trọng trong những chuyển dịch hiện nay của thời đại. Trong thế giới biến động và khó lường, thách thức luôn luôn đan xen với cơ hội, rủi ro luôn đi kèm với thời cơ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045, Tổng Bí thư yêu cầu phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; trong đó, “tiên phong trước hết cần thể hiện trong tư duy, nhận thức; tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tiên phong trong kiến tạo cơ hội để thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc; tiên phong trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là gắn kết sức mạnh cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước”.
Thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(4), trong các bài phát biểu, bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh và đối ngoại trong các lĩnh vực khác.
Đây vừa là truyền thống quý báu, vừa thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật đối ngoại, ngoại giao cách mạng Việt Nam, được Tổng Bí thư phân tích, lý giải và định hướng cụ thể bằng nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm tư duy chiến lược; là bước phát triển về tư duy đối ngoại Việt Nam, vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phần thứ hai: Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Trải qua các giai đoạn, trên các cương vị: Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm, chủ trương đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Việt Nam đã có quan hệ hợp tác rộng mở cả song phương và đa phương với các đối tác, trong các lĩnh vực, ở tất cả các cấp, các ngành, đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích; huy động và kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nội lực trong nước nhằm chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế vì lợi ích quốc gia-dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Trong quan hệ song phương, các bài nói, bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn thể hiện sự đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Phát huy truyền thống hòa hiếu của ông cha, Tổng Bí thư khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, tăng cường tin cậy, phát huy điểm đồng, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển nhằm củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực, quốc tế và các khuôn khổ hợp tác cũng như trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện của đất nước.
Trong quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, các đảng cầm quyền và các đảng dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đóng góp cả lý luận và thực tiễn vào kho tàng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ công cuộc đổi mới của Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ, thật sự vì con người.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, với các đảng cộng sản, công nhân và bạn bè truyền thống. Trong các bài nói, bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm và tình cảm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người dân nước sở tại, luôn tích cực giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, hòa hiếu, thân thiện, mến khách, năng động và phát triển trong con mắt của bạn bè quốc tế.
Phần thứ ba: Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Đó là những kỷ niệm, tình cảm, câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước. Những ý kiến thể hiện sự kính trọng, tình cảm trân quý đối với Tổng Bí thư và niềm tin tưởng, tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tuyển chọn trong cuốn sách là sự tổng kết những bài học kinh nghiệm có giá trị của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, thể hiện bước phát triển tư duy chiến lược của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, góp phần định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại, ngoại giao trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://nhandan.vn
---------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. 1, tr. 161.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 162.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 104.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 162.