Việc ứng dụng AI, phối hợp nhà mạng... để đối phó, ngăn chặn phát tán nội dung vi phạm, nội dung cấm là phương án được nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp chiếu phim online hướng đến.
Phim ngắn nhiều tập "Má vương" của Trung Quốc bị khán giả Việt tố cáo cố tình lật ngược bản đồ thành phố Vũ Hán để cài cắm "đường lưỡi bò," cho thấy những hình thức mới trong tuyên truyền nội dung phi pháp của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình)
Đối với quản lý phim trực tuyến tại Việt Nam, các bản đồ phi pháp và các hình thức vi phạm chủ quyền lãnh thổ là hai trong những nội dung nhức nhối nhất cho cả khán giả, nhà quản lý lẫn doanh nghiệp chiếu phim, mà đặc biệt là chiếu trên mạng.
Việc Trung Quốc cài cắm “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm văn hóa và lan truyền ra toàn cầu đang ngày càng tinh vi. Các giải pháp liên quan đến chặn đứng “đường lưỡi bò” trước và sau khi phổ biến đến khán giả và ngăn chặn phát tán là nội dung chưa hề “giảm nhiệt" trong nhiều năm nay.
Ngăn bản đồ phi pháp từ "nguồn"
Trước hết cần khẳng định cách thức phổ biến bản đồ phi pháp ra thế giới của Trung Quốc ngày càng tinh vi.
Tại Hội thảo khoa học Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (do Cục Điện ảnh tổ chức chiều 16/6), bà Phan Thị Thu Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ-Điều phối (Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh nội dung này.
Theo nghiên cứu từ phía Cục Thông tin đối ngoại, Trung Quốc đã bắt đầu đưa các công trình nghiên cứu nhằm củng cố lập luận riêng về chủ quyền biển Đông vào các trường đại học 15 năm nay. Bà Hồng cho biết đó là các công trình nghiên cứu từ bậc cử nhân đến tiến sỹ khẳng định những lập luận phi pháp về biển Đông, về “đường chín đoạn” (nay biến tấu thành “đường 10 đoạn” và nhiều dạng khác không rõ ràng, khó phát hiện hơn).
“Số lượng công trình nghiên cứu này đã lên tới hàng nghìn. Sau đó họ đưa các tài liệu này vào hệ thống thư viện trên thế giới, qua các viện Khổng Tử, phát hành trên không gian mạng ở nhiều ngữ... Lĩnh vực nghệ thuật không nằm ngoài chủ trương này. Đó là lý do vì sao gần đây xuất hiện rất nhiều các phản ánh về "đường lưỡi bò" trên các phim truyền hình, phim điện ảnh Trung Quốc,” người đại diện Cục Thông tin đối ngoại cho biết.
Hội thảo khoa học Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp chiếu phim trực tuyến tại Việt Nam cũng coi đây là một thách thức lớn, đặc biệt khi phải phát sóng phim song song với bên sản xuất. Thời gian xử lý vi phạm là rất ngắn.
Tại hội thảo, bà Tô Nam Phương - Phó giám đốc FPT Play cho biết họ đang có một tổ gồm 5-7 người phụ trách, rà soát vi phạm cùng tên, đặc biệt ở các phim Trung Quốc.
Bên cạnh cơ chế xử lý thủ công, nền tảng này cho biết đang triển khai AI (trí tuệ thông minh) để làm việc thay con người, song vẫn đang cần được huấn luyện tiếp. “Về cơ bản, những hình ảnh về đường chín đoạn thì AI này đã tìm được. Nhưng nếu ở những hình ảnh ở xa hay bản đồ ở xa thì cần thời gian để ‘học’ thêm. Đây là mong muốn của doanh nghiệp để giúp người xem tiếp cận phim nhanh và phù hợp hơn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và tuân thủ pháp luật Nhà nước,” bà Tô Nam Phương cho biết. Doanh nghiệp này dự kiến có thể chính thức sử dụng công nghệ này vào cuối năm nay.
Ông Đỗ Quốc Việt - Cục phó Cục Điện ảnh - cho biết ông rất hiểu và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Ông nói phía cục cũng đã tìm hiểu về giải pháp này, song trước những ý kiến cho rằng AI là phương án tối ưu nhất, ông khẳng định đào tạo về con người mới là cốt lõi.
“Thực tế trong "Hướng gió mà đi" vừa qua, đã có các đơn vị chuyên về công nghệ không nhận ra. AI là giải pháp logic hóa giúp ích cho quản lý, được suy luận trên cơ sở do con người đặt ra. Chúng ta hay nói ‘dạy AI’ là vì vậy. Do đó con người vẫn là trung tâm giải quyết các vấn đề, cần chú trọng về đào tạo nhân lực.”
Cần ngăn web lậu tiếp tay phát tán bản đồ phi pháp
Theo quy định của Luật Điện ảnh năm 2022 (có hiệu lực từ tháng 1/2023) và các văn bản liên quan, phim chứa nội dung cấm thì tuyệt đối không được phép phổ biến, tức là cấm chiếu hoàn toàn. Với những phim/tập phim chứa đường “đường lưỡi bò” bị phát hiện thời gian qua, Cục Điện ảnh sau khi tiếp nhận các phản ánh sai phạm đã yêu cầu các nền tảng xóa bỏ và yêu cầu các nhà rạp ngừng chiếu.
Tuy nhiên ngay sau đó, người xem vẫn có thể dễ dàng xem những nội dung này trên các website khác, đó là các trang phim lậu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Công ty Đa phương tiện Thủ đô nhắc đến "phimmoi" - một trong những web phim lậu “khét tiếng” khi nhiều lần bị cảnh báo, xử lý chặn web nhưng vẫn tiếp tục tái xuất ở tên miền mới.
Web "phimmoi" hiện nay, vẫn chiếu loạt phim rạp và phim dài tập trái phép. (Ảnh chụp màn hình)
Ông Hân khẳng định ở khía cạnh công nghệ, chặn hoàn toàn phimmoi và các web phim lậu tại Việt Nam là khả thi.
Chẳng hạn khi gõ tiêu đề một bộ phim trên Google, thì loạt web phim lậu sẽ hiện lên. Thông qua việc rà quét, nhà mạng dễ dàng thống kê được danh sách loạt tên miền vi phạm này. Cùng với đó, việc mua tên miền mới vừa mất tiền, lại mất thời gian gấp nhiều lần so với rà quét. Vì vậy theo ông Hân, chỉ cần phối hợp với các nhà cung cấp mạng tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT… thì có thể chặn đứng phát tán nội dung cấm qua web phim lậu.
“Nếu các bộ đề nghị các doanh nghiệp trong nước thực hiện, tôi cam kết việc này là hoàn toàn thực hiện được,” người đại diện Công ty Thủ đô chia sẻ./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn