Những năm gần đây, huyện Văn Lâm luôn chú trọng hỗ trợ phát triển làng nghề có thế mạnh và tiềm năng trên địa bàn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu nông nghiệp của huyện.
Hiện nay, huyện Văn Lâm có 5 làng nghề hoạt động hiệu quả gồm: Làng nghề truyền thống chế biến dược liệu Nghĩa Trai (xã Tân Quang), Làng nghề truyền thống đúc đồng Lộng Thượng (xã Đại Đồng), làng nghề chế biến gỗ thôn Ngọc (xã Lạc Đạo), làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh) và làng nghề sản xuất đậu phụ Xuân Lôi (xã Đình Dù). Các làng nghề thu hút trên 1,1 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động với thu nhập trung bình 5 – 9 triệu đồng/người/tháng. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, tổng doanh thu tại các làng nghề ở huyện đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Sản xuất tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm)
Năm 2004, làng nghề đúc đồng thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Trong quá trình hoạt động, nghề đúc đồng ở Lộng Thượng cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu, thiếu đổi mới trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các sản phẩm làm ra mẫu mã còn đơn điệu và chất lượng chưa cao. Để giải quyết tình trạng trên, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho người dân về thủ tục vay vốn, xây dựng hạ tầng cơ sở, tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm... Đến nay, nhiều hộ sản xuất trong làng nghề mạnh dạn đầu tư máy, thiết bị hiện đại để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Hồng, chủ cơ sở đồ đồng mỹ nghệ Hồng Thắm ở thôn Lộng Thượng cho biết: Trong điều kiện các mặt hàng truyền thống sản xuất tại các làng nghề phải đối mặt với sức ép cạnh tranh với các mặt hàng sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng đã tận dụng thế mạnh là các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, tự nhiên, đưa các sản phẩm mẫu mã tốt, độc đáo, mang bản sắc văn hóa riêng để phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm làng nghề đúc đồng Lộng Thượng không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Khắc phục khó khăn chung, các làng nghề sơ chế dược liệu, mộc dân dụng, sản xuất đậu phụ trong huyện đã tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, ưu tiên phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, lựa chọn nguồn nguyên liệu an toàn, chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển làng nghề bền vững…
Những năm qua, huyện Văn Lâm đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn vay, đất đai; đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác hạ tầng phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; khuyến khích phát triển làng nghề theo nhiều loại hình như: Hộ sản xuất gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Từ đó, hình thành những cơ sở sản xuất vệ tinh cho những doanh nghiệp lớn, có khả năng linh hoạt thực hiện những đơn đặt hàng lớn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, hằng năm, các phòng chuyên môn tham mưu UBND huyện định hướng ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương; phối hợp với các đơn vị và ngành chức năng tổ chức nhiều lớp dạy nghề phi nông nghiệp và tập huấn đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trồng hoa, dược liệu… Cùng với đó, huyện bố trí nguồn ngân sách cho công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm làng nghề có thế mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các hội chợ thương mại ở trong và ngoài tỉnh với các sản phẩm chủ lực như: Đồ đồng, dược liệu…
Đồng chí Trịnh Văn Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Lâm cho biết: Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; trong đó, sản phẩm đúc đồng Lộng Thượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ khoa học và công nghệ, bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Một số cụm công nghiệp làng nghề đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, tạo thuận lợi hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong làng nghề, góp phần hình thành các chuỗi sản xuất – kinh doanh khép kín. Thời gian tới, Phòng tham mưu UBND huyện tiếp tục ưu tiên phát triển một số ngành nghề chủ lực đủ điều kiện cạnh tranh với thị trường như: Tái chế nhựa Minh Khai; sơ chế dược liệu Nghĩa Trai; đúc đồng Lộng Thượng…. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục triển khai các chương trình khuyến công, đào tạo việc làm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề; tăng cường thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề …
Nguồn: https://baohungyen.vn