Phiên trình bày 6 giải pháp để Việt Nam thực hiện thành công SDGs tại Liên hợp quốc đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế.
(Ảnh minh họa. Duy Khương/TTXVN)
Ngày 14/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (HLPF).
Phát biểu chính tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Rà soát Quốc gia Tự nguyện (VNR) thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2023 của Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh quá trình xây dựng VNR lần thứ hai của Việt Nam được tiến hành qua 10 bước với nhiều hình thức nhằm huy động sự tham gia ngay từ đầu của tất cả các bên liên quan, đảm bảo thể hiện được vai trò và tiếng nói của tất cả các bên.
VNR lần thứ hai nhằm chia sẻ về tiến độ thực hiện SDGs; những thay đổi và tiến bộ quan trọng so với VNR lần thứ nhất; những khó khăn, thách thức đặt ra và định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy việc thực hiện SDGs trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, toàn bộ hệ thống chính trị và cả xã hội đã nỗ lực để thực hiện SDGs với phương châm cốt lõi “không ai bị bỏ lại phía sau” và đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện SDGs, đặc biệt là SDG 1, SDG 6, SDG 9, SDG 10, SDG 16 và SDG 17.
Bộ trưởng nêu bật 6 giải pháp mang tính xuyên suốt để Việt Nam thực hiện thành công SDGs trong nửa chặng đường còn lại gồm lấy người dân là trung tâm của mọi quyết định, chính sách, hành động; Xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy quyết định thành công trong thực hiện SDGs; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện SDGs; Tiếp tục cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để phục vụ cho giám sát và đánh giá việc thực hiện SDGs.
Phiên trình bày của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Các đại biểu tham dự hoan nghênh và đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức trình bày VNR lần thứ hai của Việt Nam và đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến chuyển đổi năng lượng, vai trò của các tổ chức xã hội, thay đổi về chính sách, dữ liệu sử dụng cho VNR, nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện SDGs tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt đoàn trả lời các câu hỏi và khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một quốc gia nào bị tụt hậu trong tiến trình này.
Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 với trọng tâm là 17 SDGs. Trong đó các VNR được xem là một cơ chế để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và SDGs trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và trình bày VNR vào năm 2018 và năm 2023, sau đúng 5 năm, Việt Nam lần thứ 2 trình bày văn bản này về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2023./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn