KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 27/08/2024 - Lượt xem: 236
“Xanh hóa” logistics hướng tới thương mại điện tử bền vững

Những năm gần đây, tốc độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu các nước trong khu vực và cả trên thế giới, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” này cũng kéo theo những hệ lụy xấu đến môi trường từ dịch vụ logistics như quy trình đóng gói sử dụng nhựa, nylon,… hay giao nhận hàng hóa gây phát thải nhiều CO2.

Cảng Quốc tế Long An chọn logistics xanh làm tiêu chí phát triển. (Ảnh NGUYỄN LÊ)
Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững, yêu cầu đặt ra với phát triển thương mại điện tử cũng không ngoại lệ. Trong đó, xanh hóa logistics trong thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng để bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Lượng phát thải lớn
Trong 15 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục 20%/năm trừ giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm tốp 10 thế giới về tốc độ tăng trưởng và dự đoán còn tiếp tục thăng hạng trong các năm tới. Trong thành công đó, logistics đóng vai trò rất quan trọng bởi đây là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch. Với 43,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân tham gia thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á và cũng cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành này luôn cần thiết.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Lê Hoàng Oanh, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững liên quan đến hoạt động logistics. Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu tác động xấu tới môi trường là giao hàng và đóng gói. Mỗi sản phẩm được giao từ cửa hàng trực tuyến đều có bao bì riêng, thường là hộp carton, bao bì nylon, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần. Mỗi ngày, hàng nghìn xe tải, ô-tô, xe máy,… giao đơn hàng cho khách và lấy lại những đơn hàng chưa có người nhận,… tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ. Thậm chí, những tác động này còn ở mức độ cao hơn trong trường hợp giao hàng siêu tốc.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp cao (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM) Nguyễn Thanh Hưng cho biết: Theo tính toán, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm 2023 đã sử dụng 332.000 tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171.000 tấn. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20-25%/năm, quy mô thương mại điện tử nước ta năm 2030 sẽ gấp hơn 4 lần hiện nay và nếu không có các giải pháp mạnh mẽ thay đổi quy trình đóng gói hàng hóa, lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới khoảng 800.000 tấn.
Về khâu giao hàng, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ: Cơ cấu dịch vụ vận tải của Việt Nam chưa cân đối, thiếu bền vững khi vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng cao hơn rất nhiều so các phương thức vận tải khác. Lượng phát thải khí nhà kính của vận tải đường bộ cao gấp gần 22 lần so với hàng không, gấp gần 20 lần đường biển và gấp gần 250 lần đường sắt. Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán, trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85%. Lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam còn tiếp tục tăng trung bình 6-7% mỗi năm, dự báo các ngành vận tải trong nước sẽ phát thải tới 60 triệu tấn CO2 trong năm 2024 và 90 triệu tấn vào năm 2030.
Chung tay bảo vệ môi trường
Hoạt động logistics đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử, nhưng cũng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Do đó, việc “xanh hóa” hoạt động logistics là nhu cầu bắt buộc để phát triển thương mại điện tử bền vững hơn. Theo các chuyên gia, logistics xanh là phương pháp quản lý chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này bao gồm việc tối ưu vòng quay phương tiện và năng lực vận chuyển của các phương tiện để giảm tình trạng xe rỗng, đồng thời liên kết các phương thức vận tải nhằm giảm các phương thức không thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, “xanh hóa” còn ở việc ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong bao gói sản phẩm và tìm cách tái sử dụng bao bì.
Thực tế, việc áp dụng các giải pháp logistics xanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội. Theo Báo cáo Logistics Việt Nam, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10-20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ cao nhất khoảng từ 60-80%. Chính vì vậy, việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.
Theo nghiên cứu của các tổ chức Google, Temasek và Bain & Company, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong thương mại điện tử như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện môi trường để đóng gói hàng hóa,… sẽ góp phần cắt giảm được 30-40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này. Không những vậy, doanh nghiệp cũng nâng cao được uy tín và thương hiệu nhờ sự chuyển đổi có tính đóng góp cho môi trường, từ đó thu hút khách hàng có ý thức cùng chung tay bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi logistics xanh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính như Lazada, Grab hay Viettel Post đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, đơn cử như tiết giảm số lượng thùng carton, chuyển sang dùng 100% bao bì tái chế hay giảm rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng nhanh,… Phó Tổng Giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn chia sẻ: Hiện tại có nhiều công nghệ hiện đại đang được triển khai trên thế giới trong lĩnh vực logistics nhằm tối ưu hóa vận hành và bảo vệ môi trường. Về phần mình, Viettel Post đang hợp tác với các hình thức vận tải đường sắt và đường biển để nâng cao năng lực logistics; đồng thời đặt mục tiêu chuyển phát 20 triệu đơn hàng mỗi ngày, kết hợp phát triển bền vững thông qua việc trang bị xe tải điện năng lượng mặt trời và ứng dụng công nghệ trong giám sát, vận hành kho thông minh.
Chuyển đổi logistics xanh trong thương mại điện tử không chỉ là xu hướng mà còn là con đường tất yếu để phát triển bền vững và mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cần sự hợp tác chặt chẽ từ doanh nghiệp, Chính phủ và người tiêu dùng để tạo thành một hệ sinh thái logistics xanh hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các giải pháp logistics xanh, đầu tư công nghệ, tối ưu hóa hoạt động và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Về phía Chính phủ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi logistics xanh qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông xanh và cơ sở hạ tầng phù hợp. Người tiêu dùng nên ủng hộ, ưu tiên các doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và bao bì thân thiện, chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan