Trưa ngày 25/9/2024 (giờ địa phương), tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cùng ông Olivier Poivred' Arvor, Đặc phái viên của Tổng thống Pháp, Đại sứ về các vấn đề biển và vấn đề vùng Cực đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề về “Tăng cường thích ứng, tài chính và khả năng chống chịu trước các thách thức liên quan đến nước biển dâng” trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ về “Giải quyết các thách thức tồn vong do tình trạng nước biển dâng”.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo và đại diện nhiều quốc gia thành viên, nhất là các nước đảo nhỏ, các nước chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cũng như đại diện nhiều tổ chức, thể chế tài chính quốc tế.
Trong thảo luận, các đại biểu đều thống nhất nhận định nước biển dâng là một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia, nhất là các nước đảo nhỏ; cũng như đang đặt ra nhiều thách thức mới về pháp lý cũng như về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Do đó, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chung, thúc đẩy hợp tác, phối hợp liên ngành đa lĩnh vực giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác nhằm tìm kiếm giải pháp đối với vấn đề cấp thiết này. Các nước trao đổi sâu rộng và chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp ứng phó với nước biển dâng, trong đó nhiều ý kiến tập trung vào sự cần thiết của việc huy động nguồn tài chính đa dạng; tận dụng thành tựu khoa học – công nghệ trong hỗ trợ nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với nước biển dâng cho các cộng đồng ven biển.
Trên cương vị đồng chủ trì phiên thảo luận, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã chia sẻ về những hậu quả nghiêm trọng của cơn bão Yagi vừa qua đối với Việt Nam, cũng như những nguy cơ nước biển dâng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nhấn mạnh các quốc gia cần xây dựng các chiến lược toàn diện, lâu dài, với những giải pháp mang tính nền tảng, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để bảo vệ các cộng đồng ven biển; các biện pháp sáng tạo để ứng phó trong tình huống khẩn cấp; hay nâng cao nhận thức, năng lực của chính cộng đồng địa phương, trong đó có việc kiến tạo các chiến lược chuyển đổi sinh kế, phương thức canh tác, nuôi trồng thuỷ - hải sản theo hướng bền vững, gắn liền và hài hoà với thiên nhiên.
Với vị trí địa lý và những đặc thù riêng, các nước đang phát triển, nước đảo nhỏ thường là những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Do đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các quốc gia, các bên liên quan tiếp tục quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm về các cách thức nâng cao hiệu quả huy động nguồn tài chính cho thích ứng với nước biển dâng và biến đổi khí hậu, trong đó có xác định cơ chế huy động nguồn lực, quan hệ đối tác phù hợp để hỗ trợ các dự án thích ứng với quy mô rộng, ứng dụng các phát triển công nghệ để đáp ứng, hỗ trợ những nhu cầu cụ thể, thiết thực của cộng đồng địa phương trong ứng phó với vấn đề nước biển dâng.
Hội nghị cấp cao về “Giải quyết các thách thức tồn vong do tình trạng nước biển dâng” được tổ chức theo Nghị quyết số 78/319 ngày 01/8/2024 của Đại hội đồng LHQ nhằm thu hút sự chú ý, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động chung ứng phó với các tác động của nước biển dâng.
|
Nguồn: https://dangcongsan.vn/