KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 31/05/2024 - Lượt xem: 357
Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ vải

Hiện nay, các ngành, địa phương trong tỉnh đang triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải và những sản phẩm đặc trưng của tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Huyện Phù Cừ là “thủ phủ” trồng vải của tỉnh với tổng diện tích khoảng 1,2 nghìn héc-ta; trong đó, vải lai chín sớm Phù Cừ 850 héc-ta, còn lại là diện tích trồng vải trứng Hưng Yên. Năm nay, sản lượng vải toàn huyện ước đạt trên 14,2 nghìn tấn. Để thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huyện hình thành các vùng trồng vải tập trung ở các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến, Phan Sào Nam… Các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây trồng để kịp thời khuyến cáo nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm đáp ứng tiêu chí tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu. Hằng năm, huyện Phù Cừ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải lai chín sớm vào trung tuần tháng 5 để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ khẳng định: Những năm qua, huyện có những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tập trung như: Xây dựng đường nội đồng, hạ tầng lưới điện, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc… Đến nay, 4 vùng trồng vải của huyện đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Để nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm vải quả tươi, huyện chủ động tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải; hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã (HTX) tiêu biểu tham gia các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản do tỉnh tổ chức. Đây là cơ hội để các nhà vườn và HTX trong huyện thúc đẩy sản xuất, tiếp cận thêm nhiều đầu mối cung ứng, phân phối nông sản đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Người dân xã Phạm Sào Nam (Phù Cừ) thu hoạch vải trứng Hưng Yên
Những ngày này, ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc HTX vải trứng Hưng Yên ở xã Đa Lộc (Ân Thi) bận rộn với những cuộc điện thoại đặt hàng và tiếp những đoàn khách đến tham quan, đặt mua vải trứng. Theo ông Hiểu, nhờ sự quan tâm của huyện, xã, HTX vải trứng Hưng Yên được tham gia các phiên chợ, hội nghị kết nối tiêu thụ vải và nông sản do tỉnh tổ chức nên sản phẩm vải trứng của HTX được nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh biết đến. Đầu tháng 5 năm nay, mặc dù vải còn trong giai đoạn phát triển quả, HTX đã đón 5 đoàn khách đến tham quan, ký kết hợp đồng tiêu thụ vải trứng; có 2 đơn vị về lấy mẫu xét nghiệm vải quả để thu mua, xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Năm nay, tổng diện tích trồng vải của tỉnh đạt trên 1,3 nghìn héc-ta, dự kiến sản lượng đạt khoảng 20 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch tập trung từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6. Để nâng cao giá trị sản phẩm vải quả tươi nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung, ngày 3/11/2023, UBND tỉnh có Kế hoạch số 167/KH-UBND về tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh năm 2024. Trong 2 ngày (1 và 2/6) tới đây, phiên chợ vải Hưng Yên năm 2024 được tổ chức tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang) là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh trong năm nay. Đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để tổ chức thành công phiên chợ vải năm 2024 với mục đích quảng bá, kết nối quả vải và nông sản đặc trưng của tỉnh đến nhiều đối tượng khách hàng, sở đã phối hợp với các ngành, địa phương bố trí gian hàng, lựa chọn các sản phẩm, nhà vườn, HTX tiêu biểu tham gia phiên chợ. Đây cũng là cơ hội để người sản xuất và đơn vị kinh doanh gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hướng đến hình thành các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, Sở Công Thương hỗ trợ đơn vị, nhà vườn xây dựng thương hiệu thông qua quảng bá trên bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc. Năm 2023, sở đã hỗ trợ ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 40 đơn vị trong tỉnh với 750 nghìn tem. Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ vải quả nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, phụ thuộc vào thị trường, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như: Tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Viettel Post… Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước, xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa của người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan